Cập nhật: 21/01/2019 08:52:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nha Trang, biển chiều. Tôi bâng khuâng lặng nghe ai hát: Mời người về thăm biển quê em… Năm 2019, TP Nha Trang (Khánh Hòa) được chọn là nơi tổ chức Năm Du lịch quốc gia với nhiều chương trình đa dạng, phong phú, được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước đột phá về du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Một góc TP Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: TRUNG PHONG

Những ngày xa Nha Trang, tôi cứ nhớ những chiều vàng. Trên biển, những cánh diều căng gió, nâng đầy ước mơ tuổi nhỏ. Nắng không đanh đá nữa, mà vội vàng tràn trên bãi cát, đôi khi có chút gắt gỏng nhưng luôn pha chút phóng khoáng của ngàn khơi. Ngày lại ngày, khi chân trời hồng dần lên, bình minh trên biển rực rỡ muôn vàn tia nắng. Nắng thắp lên niềm tin yêu cuộc sống. Tháp Bà Ponagar trầm mặc. Nhìn những chuyến ghe về trĩu nặng mà lòng thư thái, bao dung.

Nhìn từ ô cửa kính máy bay, biển Nha Trang xanh một mầu thật lạ. Có chút xanh thẳm của trời cao. Có chút xanh biếc của biển cả. Có chút xanh non của rừng cây lá bốn mùa. Ði xa về, cứ bước chân xuống đất Cam Ranh là nghe người nhẹ hẳn. Những lần như vậy, tôi luôn cố hít thật sâu, để nghe trong hơi thở của biển quấn quýt những nhịp nhàng sóng vỗ, để nghe đâu đó có một không gian thật nồng nàn, thật nhẹ nhàng hương vị biển. Và, lòng người như đang gánh nặng bỗng chốc được quẳng đi.

Tôi thích theo chân những anh em nghệ sĩ chụp ảnh, để nhìn Nha Trang từ những góc nhìn khác nhau. Buổi tối, từ đảo Hòn Tre nhìn vào, Nha Trang như người đẹp duyên dáng đứng bên hồ bán nguyệt lung linh ánh nến. Buổi sáng, nhìn từ trên tòa nhà cao tầng, Nha Trang thức giấc, vươn vai, rộn ràng trước biển. Buổi trưa, nhìn từ phía bắc đường Phạm Văn Ðồng, Nha Trang kiêu sa trong nắng, và đã thấy bắt đầu có dáng dấp một đô thị hiện đại bên bờ biển xanh.

Về với Khánh Hòa, không mấy ai không nghe tha thiết câu hát dân gian: Tôm hùm Bình Ba/ Nai khô Diên Khánh/ Cá tràu Võ Cạnh/ Sò huyết Thủy Triều… Những sản vật ấy đã hằng níu áo tâm tình bao nhiêu tao nhân mặc khách dừng bước ghé qua. Có món đã thật sự đi vào quá khứ, như nai khô Diên Khánh. Có món vẫn cứ tươi nguyên, như tôm hùm Bình Ba. Theo giới sành thưởng thức, tôm hùm không đâu ngon bằng ở Bình Ba. Ấy là tôm hùm biển, sinh sống tự nhiên, ở những vùng nước rất sạch. Thịt tôm chắc, ngọt, và thơm. Ngày xưa, các cụ ta chế biến tôm hùm bằng cách hấp, hoặc đem nướng, bây giờ, có thêm nhiều "biến tấu". Ðêm, ra mỏm đá ngoài Bãi Nồm ở Bình Ba ngồi nhâm nhi tôm hùm, sò huyết... mà nghe thời gian đi tựa vó câu qua cửa.

Nhiều người ví Khánh Hòa như hình ảnh một đất nước thu nhỏ, bởi có đủ đầy những nét riêng, chung, có biển, có rừng, có ruộng đồng xanh mát. Tôi không dám bàn nhiều về điều đó, chỉ biết rằng, khi chia tay, nhiều anh em, bạn bè cứ hẹn rằng, nhất định họ sẽ trở lại Nha Trang.

Tôi thường có những chuyến đi lặn lội, lúc ra tận miền biên đảo Trường Sa, khi lên đến chốn núi rừng Khánh Sơn. Ra Trường Sa, suốt đêm thức cùng những người lính bên chiến hào, tôi nằm nghe trong sóng gió đâu đó có tiếng ngân, có âm vang của lịch sử vọng về. Lên Khánh Sơn, tôi lang thang trên đồi nghe tiếng mõ gió khua man mác trong chiều, giữa không gian sậy lau hiu hắt. Ðêm về, cứ mơ màng nghe tiếng mã la chập chùng trong thanh vắng, cứ như níu kéo, xô đẩy như gió cuộn trong thung giữa đại ngàn. Trong đêm, đã nghe thấy mạch nguồn tuôn chảy. Ở đó có bài ca lập nghiệp của thanh niên tình nguyện lên vùng cao xây mộng ước. Ở đó có những điệu hò bả trạo của quân dân trên đảo tiền tiêu. Và ở đó còn có cả những vần thơ chờ đợi, dẫu thế nào cũng gừng cay, muối mặn. Ðể sau cùng, hòa thành một khúc ca no ấm, an bình.

Biển là hơi thở, là sự sống. Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phước Ðồng, TP Nha Trang Mai Thành Phúc xem biển là một phần máu thịt của chính mình. Năm ngoái, tôi đến thăm ông khi ghe về bến ngày mồng hai Tết. Chén rượu đầu Xuân trên cảng cùng những ngư dân mới trở về từ biển khơi nghe thật ấm, và nồng nàn hương vị biển. Chuyện biển, chuyện nghề rôm rả không ngớt. Ðã bao đời nay, những ngôi làng ven biển vẫn kiên cường trước gió giông. Hồn biển nồng nàn trong những điệu hò bả trạo, bài chòi, hát bội, hát chầu văn, hầu đồng múa bóng... Ông Phúc cho rằng, tinh thần bám biển của người Việt được tạo nên từ gốc gác nông nghiệp, vốn yêu từng tấc đất. Ði đâu, chúng ta cũng có thể nghe những câu chuyện đoàn kết, kiên cường bám biển của bà con ngư dân ta. Tâm thức biển nghìn đời nay chuyển thành tâm thế sẵn sàng vươn ra biển lớn. Thực tế, người dân Khánh Hòa đã nghĩ lớn hơn trước rất nhiều. Phải vươn ra khơi xa! Ở xã Phước Ðồng này, đã có những con tàu công suất hàng nghìn mã lực được đóng mới. Trong câu chuyện, nguyên Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc tâm đắc với việc phát triển các làng cá theo hướng hiện đại gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa biển của các làng cá truyền thống lâu đời.

Ðộ vài tuần, không được đi ra một đảo nào đó, lại thấy như thiếu chút gì đó khó có thể gọi tên. Biển Nha Trang thật lạ. Sáng ra, biển mênh mang khói nước, bàng bạc. Trưa lên, những buổi trưa nắng gắt, biển xanh ngăn ngắt, xanh đến tận cùng. Chiều về, biển ngả mầu vàng úa, rồi dần sang tím thẫm, như bước chân đưa ngày vào tối. Biển là một bí ẩn. Luôn đợi chờ khám phá.

Ra tới vùng biển Trường Sa, tàu chúng tôi gặp rất nhiều tàu đánh cá của ngư dân ta. Những lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên biển khiến nhiều người thật sự xúc động. Biển của ta đây mà! Tôi Nghe giữa xôn xao sóng biển có tiếng chuông chùa thoảng đưa trong gió. Sao man mác thanh bình, thanh bình ngay giữa chốn phong ba. Giữa bốn bề sóng gió, những ngôi chùa trên đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn… từ lâu đã là nơi yên bình để nhớ những người đã nằm lại mảnh đất này. Cầu mong một cuộc sống thanh bình, có lẽ, không chỉ là tâm nguyện của đồng bào chiến sĩ Trường Sa mà là của cả một dân tộc có truyền thống yêu chuộng hòa bình.

Trường Sa, vời vợi bao non nước mà thao thiết bấy tâm tình. Trong một chuyến ra Trường Sa, tôi ngồi trên boong cao cùng bác sĩ Từ Công Tào, nguyên Chủ nhiệm quân y đoàn Trường Sa. Trong chiếc ra-đi-ô nhỏ xíu anh mang theo, có giọng ai đó nghe tha thiết. Biển lại hát tình ca. Biển kể chuyện quê hương. Tiếng hát trong vắt nhưng nghe thấm đến lạ. Biển không chỉ hát tình ca. Biển còn trầm hùng những khúc ca bất tử, cùng những người cầm súng ở tuyến đầu Trường Sa gìn giữ biển đảo cho Tổ quốc. Bác sĩ Từ Công Tào ngồi đọc tôi nghe mấy câu thơ của anh: ...Ðụn mây giăng ở chân trời/Nhấp nhô như thể núi đồi quê hương...

Phải yêu lắm, phải nhớ lắm mới có được những tâm tình đằm thắm như vậy.

PHONG NGUYÊN

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm