Cập nhật: 21/01/2019 09:13:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời gian tới, TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ cho ngư dân tham gia các tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản nhằm khuyến khích đánh bắt hải sản xa bờ.

Quang cảnh buổi gặp mặt. Ảnh: VGP/Minh Trang

112 tổ đoàn kết sản xuất trên biển

Tại buổi gặp mặt làm việc giữa Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa với tổ đoàn kết khai thác hải sản xa bờ các quận, huyện vào ngày 4/1, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đỗ Tám cho biết: Đến nay toàn Thành phố có 112 Tổ đoàn kết sản xuất trên biển với 734 tàu, trong đó 439 tàu trên 90 CV và 295 tàu nhỏ hơn 90 CV. So với năm 2013, số tổ đoàn kết sản xuất trên biển tăng 20 tổ, số tàu tham gia tăng 136 tàu.

Trong các năm qua, Thành phố đã quan tâm hỗ trợ cho ngư dân 645 máy thông tin liên lạc tầm xa, trong đó phần lớn là các thành viên tham gia tổ đoàn kết khai thác hải sản, ngoài ra UBND TP. Đà Nẵng đã hỗ trợ 2 trạm bờ cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố để phục vụ công tác quản lý tàu thuyền và tìm kiếm cứu nạn trên biển. Với các trang thiết bị như trên, đến nay đã hình thành được mạng lưới thông tin liên lạc thông suốt giữa tàu với tàu, giữa biển với đất liền và tổ chức hoạt động có hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Đỗ Tám, nhờ có sự hỗ trợ, giúp đỡ nhau trên biển nên các tàu cá tham gia tổ đoàn kết khai thác hải sản đã mạnh dạn vươn khơi khai thác ở những ngư trường mới có trữ lượng cao, thời gian bám biển cũng dài ngày hơn trước, sản lượng khai thác của các tàu trong tổ sau từng chuyến biển không có chênh lệch lớn, thu nhập tăng cao hơn sau khi vào tổ.

Về công tác an ninh quốc phòng, khi có sự điều động của Thành phố đi làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển quốc gia, các tàu cá Đà Nẵng đã tích cực tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ, hiện nay một số tổ đoàn kết khai thác xa bờ thuộc quận Sơn Trà, Thanh Khê còn tham gia lực lượng dân quân tự vệ biển gắn với hoạt động tàu thuyền.

Các chủ tàu cá chuẩn bị ngư lưới cụ sẵn sàng vươn khơi tại cảng cá Thọ Quang. Ảnh: VGP/Minh Trang

Tiếp tục hỗ trợ về chi phí bảo hiểm, trang thiết bị, ngư lưới cụ

Tại buổi gặp mặt, các ngư dân cũng chia sẻ một số khó khăn về vấn đề chi phí bảo hiểm, trang thiết bị đánh bắt, nơi neo đậu và mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước và Thành phố.

Đại diện cho ngư dân, ông Trần Văn Mười, Tổ trưởng Tổ đoàn kết khai thác hải sản Biển Sáng phường Mân Thái, cho biết trước kia, theo Nghị định 67, khi mua bảo hiểm cho tàu cá có công suất từ 400 CV trở lên, ngư dân sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 90% chi phí mua bảo hiểm cho tàu cá, ngư dân chỉ chịu 10%. Nay ngư dân phải chịu đến 50%.

Bên cạnh đó, chính sách mới chỉ áp dụng cho thân tàu mà không bao gồm các trang thiết bị, ngư lưới cụ đánh bắt hải sản. Trong khi chi phí cho phần này rất cao. Do đó, ông Mười chia sẻ mong muốn Nhà nước và Thành phố tiếp tục có chính sách hỗ trợ tiền bảo hiểm, trang thiết bị, ngư lưới cụ nhằm giảm áp lực chi phí cho ngư dân khi đóng tàu công suất lớn.

Còn ngư dân Lê Văn Chiến, Tổ trưởng Tổ đoàn kết khai thác hải sản số 1 nghề lưới vây phường Xuân Hà, nêu lên khó khăn về nguồn nhân lực đánh bắt xa bờ. Theo ông Chiến, nguyên nhân là do thu nhập đánh bắt gần bờ cao hơn, ngắn ngày và ít mạo hiểm nên hút lao động, dẫn đến nguồn nhân lực đi xa bờ hiện nay đang thiếu hụt trầm trọng.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế như tiêu thụ sản phẩm, liên kết khai thác và dịch vụ hậu cần trên biển chưa cao, cảng cá âu thuyền Thọ Quang quá tải gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự...

Tiếp thu ý kiến của ngư dân, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa khẳng định Thành phố đang nghiên cứu và sẽ có các hỗ trợ cho ngư dân về lãi suất, bảo hiểm và trang thiết bị, ngư lưới cụ hàng hải. Các chính sách đang được trình và sẽ triển khai trong thời gian tới.

“Các tổ đội nghề cá là chỗ dựa của ngư dân, bảo vệ ngư dân, đồng bào mình ở trên biển. Các tổ, đội được coi là nòng cốt trên biển nên cần nghiên cứu chế độ bảo đảm cho các tổ, đội viên, trang bị thiết bị hiện đại, đồng bộ, bảo đảm an toàn trên biển”, Bí thư Trương Quang Nghĩa khẳng định.

Bí thư Trương Quang Nghĩa cũng đề nghị các cấp mặt trận, liên đoàn lao động xem xét lại việc tổ chức các nghiệp đoàn nghề cá sao cho hoạt động bài bản, quyết định được giá cả hải sản, bảo vệ được quyền lợi của tổ viên, giúp các tổ, đội liên kết làm ăn hiệu quả, tránh tình trạng bị các tiểu thương, đầu nậu ép giá. Bên cạnh đó, ưu tiên vận động các tàu cá 90 CV trở lên tham gia tổ khai thác xa bờ và củng cố, xoá bỏ các tổ đội hoạt động không hiệu quả.

Ngoài ra, thời gian tới, cần nghiêm túc xem xét lại cách thức tổ chức lại cảng cá âu thuyền Thọ Quang, hạn chế các tàu giã cào có công suất nhỏ dưới 20 CV, lập sơ đồ neo đậu, phân chia giao thông rõ ràng và có chế tài nghiêm khắc đối với các chủ tàu cá vi phạm, nhằm ổn định trật tự, giúp các tổ, đội ngư dân yên tâm sản xuất.

Theo Minh Trang/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm