Cập nhật: 22/01/2019 14:57:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Có 15-20% trẻ từ 3-5 tuổi bị những bệnh về mắt, trong đó, tình trạng nhược thị trầm trọng nhất, ảnh hưởng 3% trẻ em thế giới. Việt Nam có khoảng 3 triệu trẻ mắc bệnh lý nhược thị, gây ra giảm thị lực.

GS Bruce Moore khám cho bệnh nhi.

Đó là thông tin được Giáo sư Bruce Moore (Giáo sư Khúc xạ nhãn nhi, Trường Đại học Nhãn khoa New England, Mỹ) chia sẻ trong hội thảo “Vị trí và vai trò của khúc xạ nhãn khoa trong ngành nhãn khoa” diễn ra chiều 21-1 tại Hà Nội. Hội thảo do Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp cùng với Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức với mục tiêu nâng cao nhận thức tầm quan trọng về vị trí và vai trò của khúc xạ nhãn khoa trong ngành nhãn khoa.

3 triệu trẻ em cần phải đeo kính điều chỉnh tật khúc xạ

PGS, TS Phạm Trọng Văn, Trưởng Bộ môn Mắt, Đại học Y Hà Nội cho biết, trên thế giới hiện có 640 triệu người giảm thị lực do tật khúc xạ không được chỉnh kính, trong đó, 80% có thể được điều chỉnh một cách dễ dàng.

Tật khúc xạ ở Việt Nam ước tính ở mức 15% đến 40%, xấp xỉ khoảng 14- 36 triệu người. Đối với trẻ em (từ 6-15 tuổi), tỷ lệ tật khúc xạ là 25-40% ở thành thị và 10-15 % ở nông thôn. Ước tính có khoảng 3 triệu trẻ em cần phải đeo kính điều chỉnh tật khúc xạ.

Theo GS Bruce, nhược thị sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình phát triển của trẻ. Việc phát hiện sớm rối loạn thị giác sẽ giúp trẻ có được sự hỗ trợ tốt nhất để trẻ có thể học tập bình thường. Việc không phát hiện và không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng tới khả năng học tập của trẻ từ 3-5 năm chậm hơn các bạn khác.

GS Bruce Moore cho hay, nhược thị là tình trạng bệnh có thể điều trị được hơn 90% nếu phát hiện sớm. “Nếu có hệ thống chăm sóc mắt ban đầu tốt sẽ giải quyết được vấn đề lớn của xã hội. Tuy nhiên, đây là điều khó vì không phải quốc gia nào cũng làm được”, GS Bruce nói.

Mới đây, tại Hội thảo quốc gia về Phòng chống mù lòa, tật khúc xạ được nhận định như là một vấn đề mới nổi trong chăm sóc mắt và được xem là một ưu tiên trong Kế hoạch quốc gia về Phòng chống mù lòa của Việt Nam giai đoạn 2014-2020. Việc cung cấp kính cho người dân bị tật khúc xạ là một trong những can thiệp hiệu quả và hợp lý nhất, góp đồng đều (tập trung ở các thành phố) hoặc do không có khả năng phẫu thuật.

Thiếu hụt nhân lực trong ngành khúc xạ nhãn khoa

Tình trạng thiếu trầm trọng các dịch vụ chăm sóc khúc xạ chủ yếu là do thiếu nguồn nhân lực được đào tạo đầy đủ. Theo kết quả điều tra đánh giá về chất lượng dịch vụ khúc xạ tại Việt Nam do Tổ chức Brien Holden Vision Institute phối hợp với The Fred Hollows Foudation, Bệnh viện Mắt Trung ương, UNSW thực hiện vừa mới được công bố đầu năm 2019, 65% đơn kính thực hiện tại các hiệu kính là bị sai do người đo kính không được đào tạo bài bản.

Theo PGS, TS Phạm Trọng Văn, các bác sĩ mắt là nguồn nhân lực chính để giải quyết các vấn đề thách thức của mù lòa do đục thủy tinh thể, chiếm 66% nguyên nhân gây mù ở nhóm trên 50 tuổi. Tuy nhiên, nguồn lực cho mục đích này vẫn còn hạn chế do sự phân bố bác sĩ mắt không đồng đều, chủ yếu tập trung ở các thành phố hoặc do không có khả năng phẫu thuật.

“Có hơn 50% dân số cần được chăm sóc tật khúc xạ ở những mức độ khác nhau. Trong khi nguồn nhân lực về khúc xạ nhãn khoa chưa đủ đáp ứng được nhu cầu chăm sóc tật khúc xạ của người dân đang ngày một tăng”, PGS Văn cho hay.

PGS Văn nhấn mạnh, cử nhân khúc xạ nhãn khoa là những cán bộ y tế thật sự cần thiết trong hệ thống chăm sóc sức khỏe Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu về chăm sóc sức khỏe mắt cho người dân trong cả hiện tại và tương lai, đặc biệt trong loại trừ các bệnh mù lòa có thể phòng tránh được do tật khúc xạ không được chỉnh kính, giảm thiểu gánh nặng công việc cho các bác sĩ nhãn khoa để có thể tập trung chuyên sâu các dịch vụ lâm sàng các bệnh về mắt khác.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt các dịch vụ khám khúc xạ có chất lượng tốt ở Việt Nam, Viện Thị giác Brien Holden (Viện Thị Giác) đã hợp tác với Bệnh viện Mắt Trung ương và Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và nhân rộng các khóa đào tạo ngắn hạn về khúc xạ và mài lắp kính. Viện Thị giác đã hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo, cung cấp trang thiết bị và đào tạo 24 giảng viên quốc gia. Các khóa đào tạo này hiện vẫn đang được tiếp tục thực hiện một cách bền vững tại địa phương để đáp ứng nhu cầu trước mắt về nguồn nhân lực cho các dịch vụ khúc xạ.

Việc xây dựng và phát triển các khóa khúc xạ ngắn hạn là một bước phát triển quan trọng trong kế hoạch dài hạn là phát triển ngành khúc xạ nhãn khoa ở Việt Nam và cung cấp đầy đủ phạm vi hành nghề trong các dịch vụ khúc xạ.

Từ năm 2012, Viện Thị giác Brien Holden hợp tác với Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y Hà Nội, Bệnh Viện Mắt Trung ương phát triển đào tạo cử nhân khúc xạ nhãn khoa tại Việt Nam. Hiện tại, có khoảng 200 sinh viên khúc xạ nhãn khoa đang theo học tại trường ĐH Y Hà Nội và hơn 100 sinh viên tại trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Khóa đào tạo đầu tiên đã bắt đầu tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2014 và sẽ có 13 cử nhân khúc xạ nhãn khoa đầu tiên tốt nghiệp vào tháng 10-2018.

 

 

Theo THIÊN LAM/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm