Vừa qua, tại hội nghị xin ý kiến về Chính sách nhà giáo trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, có ý kiến khiến dư luận hết sức quan tâm đó là đề xuất cấp chứng chỉ hành nghề cho giáo viên. Việc cấp chứng chỉ hành nghề sư phạm lâu nay đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, nhưng với Việt Nam thì đề xuất này lại vấp phải nhiều ý kiến phản đối.
Sau liên tiếp các vụ việc tiêu cực trong giáo dục như: Giáo viên chỉ đạo học sinh tát bạn, thầy giáo dâm ô học sinh… gây xôn xao dư luận thì ngay lập tức chủ đề đạo đức nhà giáo và bồi dưỡng giáo viên luôn được bàn thảo tại các hội nghị. Trong đó, đề xuất Cấp chứng chỉ hành nghề giáo viên là một giải pháp được đưa ra.
Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lí Giáo dục Hà Nội cho biết: Việc đề xuất này là người ta mong muốn có yêu cầu tay nghề cao về nhà giáo, sinh viên ra trường phải có tay nghề, còn thực hiện như thế nào thì hiện nay chưa kiểm soát được, phần lớn các trường THPT phải đào lại thì đây mà mục đích chính đáng, nhưng thực hiện như thế nào lại là 1 vấn đề.
Dù nhận định đây không phải là vấn đề mới mà được nhiều nước trên thế giới áp dụng, song khi áp dụng ở điều kiện Việt Nam thì còn nhiều ý kiến lo ngại, thậm chí ngạc nhiên và đặt câu hỏi tại sao lại phải có chứng chỉ hành nghề sư phạm?
Bên cạnh đó, từ thực trạng nhiều giáo viên đã phải mua chứng chỉ tin học hay ngoại ngữ trong khi chất lượng không đúng đã từng xảy ra trong thời gian vừa qua khiến nhiều người lo ngại việc chứng chỉ hành nghề chỉ là làm thêm giấy tờ, và nguy cơ xuất hiện thêm một loại “giấy phép con” trong ngành sư phạm.
Sinh viên Lê Thu Trang - Đại Học Sư phạm Hà Nội cho biết: Chứng chỉ bây giờ, lạm dụng quá, Nó dễ mua lắm, mà thi cũng dễ.
Nhiều chuyên gia cũng cho biết, đề xuất cấp chứng chỉ hành nghề giáo viên không có tính khả thi. Bởi thực tế hiện nay ở nước ta đã có tiêu chuẩn của nghề nghiệp giáo viên , tuy nhiên tiêu chuẩn này cần phải làm lại, vì chưa đúng chuẩn quốc tế.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Khi có được tiêu chuẩn nghề nghiệp thì mới phân tích việc làm của người giáo viên ở cấp học nào đó. Sau đó Áp dụng khung trình độ quốc gia để xây dựng chuẩn trình độ, cấp chứng chỉ, khóa nâng cao trình độ, … ở các nước nó như giấy thông hành, Việt Nam khó khả thi.
Rõ ràng, việc cấp chứng chỉ được coi là 1 trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo viên. Nhưng thực hiện như thế nào? Ai là người cấp chứng chỉ? và quản lý như thế nào? vẫn là những câu hỏi cần được giải đáp ./.
Theo Truyền hình Thông tấn