Hiện nay, các trường ĐH đã chính thức vào cuộc đua cho mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2019 với việc mở ngành học mới đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0. Theo nhiều chuyên gia đây là chiến lược lâu dài vì những ngành học mới được mở này sẽ đáp ứng nhu cầu nhân lực trong vòng 4 - 5 năm tới. Các trường đang chú trọng hơn vào chất lượng và đặc biệt là yêu cầu về năng lực ngoại ngữ và công nghệ.
Phân tích kinh doanh, Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, Đầu tư tài chính, Công nghệ tài chính, Quản trị kinh doanh điều hành thông minh, Quản trị chất lượng và đổi mới, Quản trị khách sạn quốc tế.
Đó là 7 ngành mới mà Trường Đại học kinh tế quốc dân dự kiến mở trong năm 2019. Tất cả các chương trình mới này đều mang tính chất liên thông quốc tế và được giảng dạy bằng tiếng Anh.
Giáo sư Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Đây là các ngành học mang tính liên ngành, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số hiện nay. Các ngành mới này được Trường xây dựng dựa trên phân tích nhu cầu của thị trường lao động, tham khảo ý kiến của các chuyên gia và các trường đại học đối tác.
Cũng trong xu thế đón đầu yêu cầu nhân lực của cuộc cách mạng 4.0, nhiều trường ĐH không chỉ đưa ra nhiều ngành mới mà chương trình đào tạo truyền thống được chuyển đổi theo hướng mô hình đào tạo chất lượng cao, sử dụng công nghệ số để đáp ứng yêu cầu chuẩn mực và hội nhập quốc tế.
Giáo sư Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Trong chương trình đào tạo chú trọng để đưa kiến thức về CNTT, về hội nhập để sinh viên nắm được, kết nối với các trường đào tạo trong khu vực và trên thế giới thông qua hệ thống giảng viên được đào tạo ở nước ngoài để mở ra các chương trình đạo tạo. Ngoài ra sinh viên được giao lưu, trao đổi học tập ngắn hạn, mở rộng ứng dụng công nghệ.
Đặc biệt, nhiều trường còn hướng đến phát triển các chương trình đào tạo theo hướng liên ngành. Điều này không chỉ giúp sinh viên có kỹ năng của 1 ngành như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây mà tích hợp nhiều kỹ năng. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng nhất mà cách mạng 4.0 đòi hỏi ở người lao động.
P.GS Nguyễn Văn Thiệp – Phó Trưởng ban Đào tạo – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Ngay cả báo chí và luật học có dịch chuyển để đáp ứng nhu cầu của quốc tế, việc đưa môn học, những yêu cầu về công nghệ thông tin, những yêu cầu về kết nối như số hóa chúng tôi dần dần đưa vào với mức độ khác nhau, xu hướng thế giới đi vào liên ngành và xuyên ngành, không thể chuyển mình ngay lập tức nhưng chúng tôi sẽ đưa vào dần dần từng chuyên ngành để 1 thí sinh đỗ vào quốc gia có điều kiện học tốt nhất và phát huy tốt nhất khả năng của mình.
Việc các trường đưa ra ngành mới và chuyển đổi chương trình đào tạo là yếu tố cần, nhưng quan trọng hơn là phải chủ động đưa kỹ năng cách mạng công nghiệp 4.0 vào giảng dạy đối với đội ngũ giảng viên. Cùng với đó, các trường ĐH phải chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình chỉ đào tạo những gì thị trường cần và sẽ cần để tránh tình trạng đào tạo không gắn với nhu cầu xã hội như hiện nay./.
Theo Truyền hình Thông tấn