PGS, TS Nguyễn Chu Hồi là giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo Việt Nam, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam. Ông có nhiều công trình nghiên cứu về khoa học và quản lý biển.
Phóng viên (PV): Thưa PGS, TS Chu Hồi, ông đã dành phần lớn cuộc đời mình để nghiên cứu và truyền cảm hứng về biển, đảo cho các thế hệ. Vậy ông có thể chia sẻ cơ duyên dẫn ông đến với lĩnh vực này?
PGS, TS Nguyễn Chu Hồi (NCH): Không chỉ dành phần lớn mà là cả cuộc đời, đến nay có thể nói như vậy. Tôi không sinh ra ở vùng biển nhưng cả cuộc đời tôi gắn bó với biển, nghiên cứu và giảng dạy về biển. Biển cứ cuốn hút tôi từ khi còn trẻ và chắc đến tận lúc không thể làm việc được nữa mới đành “nằm yên nghĩ về biển”. Sau này ở trường đại học, tôi được học về khoa học trái đất, về biển. Lúc làm tiến sĩ ở Ba Lan, tôi thực hiện đề tài về vùng cửa sông - nơi gặp gỡ đất với biển. Đúng là cơ duyên đã dẫn tôi từ sông ra biển lớn.
Tôi luôn phải đọc, tìm tòi, viết, đi thực tế và đi nói chuyện về biển Việt Nam cả trên thế giới và trong nước, và càng thấy đại dương mênh mông, biển rộng dài, quan trọng và giàu đẹp với nhiều bí ẩn khoa học. Vì thế, tôi phải tranh thủ truyền cảm hứng biển cho lớp trẻ, hy vọng có lớp người thừa kế sự nghiệp lớn của đất nước; lại còn đi nói cho xã hội hiểu, nhân dân hiểu đúng và sâu sắc về biển.
PV: Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có xác định mục tiêu “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh”. Trước mục tiêu đã đề ra, ông có chia sẻ gì từ góc độ nhà khoa học nghiên cứu về biển?
PGS, TS NCH: Tôi đã có mặt ở 65 quốc gia ven biển, quốc đảo trên thế giới, có dịp nhìn lại mới thấy biển Việt Nam quả là giàu và đẹp. Đặc biệt, nằm trong khu vực Biển Đông- “Ngã ba đường của Thế giới”, nên biển nước ta lại có vị thế địa chính trị đặc biệt quan trọng.
Ngay từ Nghị quyết số 09 Đảng ta đã xác định mục tiêu “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”, đến Nghị quyết số 36, T.Ư tiếp tục khẳng định mục tiêu nói trên và bổ sung thêm: “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển”. Đây là mục tiêu bao trùm, dài hạn, đòi hỏi phát triển toàn diện trên hướng biển trong bối cảnh quốc tế, khu vực Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, có yếu tố khó lường; trong tình hình biển tiếp tục bị “đầu độc” do gia tăng ô nhiễm và suy thoái; và trong khi nền kinh tế “biển nâu” đang là vật cản kinh tế “biển xanh”... Chính vì thế, chiến lược đã thực tế khi lấy phát triển bền vững kinh tế biển làm trục chính để giải quyết mối quan hệ với quốc phòng - an ninh; với bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường; với giải quyết dài hạn các vấn đề xã hội biển, đảo; với tái cấu trúc nền kinh tế biển vốn còn không ít điểm yếu kém và với tổ chức lại không gian kinh tế biển. Các mối quan hệ nói trên luôn tác động qua lại và đa chiều để tạo ra một “Việt Nam mạnh về biển” cả về mặt quốc phòng-an ninh, cả về kinh tế-xã hội và sức khỏe của biển, đảo trước đe dọa của thiên tai, biến đổi khí hậu và con người.
Để Việt Nam mạnh về biển thì sứ mệnh cao cả đó thuộc về trách nhiệm của tất cả chúng ta, trong đó sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân là hết sức quan trọng. Điều này phù hợp với học thuyết “sức mạnh biển” trên thế giới và thích hợp với tình hình Biển Đông. Biển tạo ra “thế và lực” trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, cho nên việc xây dựng thế trận “kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh” trên biển và vùng ven biển phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, là hai mặt của một vấn đề.
Cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các khu quốc phòng-kinh tế, kinh tế-quốc phòng trên biển, đảo và vùng ven biển làm cơ sở kết nối quân-dân, trong việc thực hiện các hoạt động dịch vụ kinh tế biển và thực hiện “chủ quyền dân sự” trên biển.
Thời gian qua, sự hiện diện của các Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc; tổ chức, phối hợp giữa Quân chủng Hải quân và các lực lượng trong tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai và nhân tai trên biển, triển khai thí điểm đưa thanh niên ra đảo lập nghiệp đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Nhiều công trình phục vụ dân sinh và quốc phòng-an ninh, phát triển cơ sở hạ tầng và hậu cần nghề cá được xây dựng ở các huyện, xã đảo giúp ngư dân yên tâm bám biển phát triển kinh tế... Ngoài ra, nhiều hiệp định liên quan đến an ninh, an toàn hàng hải đã được ký kết. Sức mạnh của Hải quân nhân dân Việt Nam cũng được nâng cao một bước nhờ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Lấy phát triển bền vững kinh tế biển làm trục chính bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.
PV: PGS, TS có thể kể kỷ niệm của ông với Hoàng Sa, Trường Sa - vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc?
PGS, TS NCH: Tôi có nhiều kỷ niệm với Trường Sa, Hoàng Sa qua các nghiên cứu của cá nhân công bố quốc tế và trong nước; qua việc tổ chức hoặc tham gia tổ chức các chương trình, dự án, đề tài hợp tác quốc tế và quốc gia nghiên cứu về Trường Sa.
Theo tôi, giải pháp lâu dài để biển, đảo đất nước phát triển bền vững là phải tăng cường các hoạt động bảo vệ chủ quyền gắn với khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên biển. Do vậy, chiến lược và cơ chế chính sách của Nhà nước cũng cần linh hoạt theo hướng “vừa hợp tác, vừa đấu tranh; vừa bảo vệ, vừa khai thác”.
PV: Xin cảm ơn PGS, TS!
Theo THÙY LIÊN/nhandan.com.vn