Trong dịp Tết Nguyên đán, thời tiết, môi trường nồm ẩm, lại có sự giao lưu đi lại nhiều…, là điều kiện thuận lợi để các bệnh dịch phát triển và lây lan, nhất là với các bệnh hay gặp như: cúm, ho gà, sởi, viêm não do vi-rút… và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa. Ðể giúp người dân bảo đảm sức khỏe, ngành y tế đang tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, chính người dân cũng cần thực hiện tốt các biện pháp mà cơ quan chuyên môn đưa ra.
Trẻ em được tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch là biện pháp phòng bệnh chủ động cần được thực hiện triệt để.
Bộ Y tế cho biết, hiện nay, do nhiều yếu tố ảnh hưởng như: khí hậu thay đổi, ô nhiễm môi trường, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân số cao, di biến động dân cư từ nông thôn ra đô thị; sự giao lưu ngày càng tăng giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, cho nên một số bệnh truyền nhiễm vẫn còn lưu hành như: bệnh tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết có số người mắc tăng cục bộ vào các tháng cao điểm tại một số địa phương. Ðáng lo ngại, năm 2018, bệnh sởi có xu hướng tăng rải rác, cục bộ vào những tháng cuối năm, với tổng số hơn 9.700 người sốt phát ban nghi sởi, tăng gấp hơn 20 lần so với năm 2017, trong đó có 1.963 người dương tính với bệnh sởi (tăng gấp 13 lần). Số người mắc sởi chủ yếu tại một số tỉnh miền núi phía bắc, các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn như Ðồng Nai, Bình Dương… Ðáng chú ý, đối tượng mắc bệnh sởi chủ yếu là trẻ em chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh, nhưng cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp là người lớn mắc bệnh sởi, trong đó có cả phụ nữ đang mang thai.
Các chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng đều chung nhận định: Trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2019, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, nhất là sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn…, làm cho cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm; nhất là những người sức khỏe yếu như người già, trẻ em, hoặc những người không thích nghi sẽ bị nhiễm bệnh. Mặt khác, điều kiện môi trường khoảng thời gian nêu trên rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi-rút) phát triển và lây lan, càng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, nhất là với các bệnh hay gặp như: cúm, ho gà, viêm não vi-rút, viêm màng não do mô cầu, tiêu chảy, TCM, liên cầu lợn… Ngoài ra, do sự gia tăng sử dụng thực phẩm, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm, sự giao lưu đi lại của người dân trong dịp này tăng cao, sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiêu hóa. Riêng với dịch sởi, theo chu kỳ diễn biến, sau bốn, năm năm sẽ tái diễn trên quy mô lớn, dự kiến từ cuối năm 2018 đến 2019. Bộ Y tế cảnh báo, trẻ em và người lớn nếu không tiêm vắc-xin phòng bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh sởi.
Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Ðắc Phu cho biết: Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập và bùng phát trong mùa đông - xuân, nhất là giúp người dân trên mọi miền đất nước đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi được bảo đảm về sức khỏe, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo ngành y tế, các đơn vị có liên quan đẩy mạnh các hoạt động giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu để kịp thời phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch xâm nhập và lây lan ra cộng đồng. Cần có sự phối hợp liên ngành, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia cầm có nguy cơ lây nhiễm sang người, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, thực hiện tốt các hoạt động bắt giữ, tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, thực phẩm không an toàn. Các địa phương chủ động xây dựng phương án, kịch bản ứng phó các tình huống về dịch bệnh và các nguy cơ về y tế cộng đồng; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về giám sát và xử lý dịch bệnh cho cán bộ y tế ở các tuyến để phát hiện sớm và kịp thời xử lý các ổ dịch; tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ; chuẩn bị đầy đủ các cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời các địa phương xử lý triệt để các ổ dịch trên địa bàn…
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị người bệnh, thiết lập khu vực khám riêng, cách ly điều trị, cấp cứu người bệnh sởi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp chết; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng, chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Các đơn vị y tế bảo đảm cung cấp đầy đủ vắc-xin sởi - rubella cho các tỉnh, thành phố triển khai tiêm định kỳ hằng tháng, cũng như chiến dịch tiêm cho trẻ từ một đến bốn tuổi tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao…
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng, vệ sinh khử khuẩn nơi sinh hoạt và vệ sinh môi trường, giảm đến mức thấp nhất sự hiện diện của mầm bệnh môi trường. Với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có vắc-xin phòng bệnh, người dân cần tiêm vắc-xin theo lịch cho trẻ. Trong đó, chủ động đưa trẻ từ chín tháng đến hai tuổi chưa tiêm, hoặc trẻ từ một tuổi đến 14 tuổi đến các cơ sở y tế để tiêm vắc-xin sởi - rubella đầy đủ. Kể cả người lớn chưa tiêm vắc-xin cũng cần được tiêm để tạo miễn dịch chủ động. Người dân tuyệt đối không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn, gia cầm chưa được nấu chín; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân; khi có dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cho các cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử lý kịp thời…
Theo TRUNG TUYẾN/nhandan.com.vn