Cập nhật: 06/02/2019 17:22:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ những nguyên liệu thô sơ, đơn giản như: đất, đá, gỗ, dưới bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân, chúng như được “phù phép” để trở thành những sản phẩm có nét, có hồn, độc đáo và mang tính thẩm mỹ cao.

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Quế trăn trở một số thợ mộc thời nay đang bị phụ thuộc nhiều vào máy móc

Hơn 40 gắn bó với nghề mộc, chứng kiến biết bao đổi thay, thăng trầm của nghề, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Quế, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên cho rằng, nghề mộc là nghề kỹ thuật nhưng thuần túy, rèn giũa con người tính bền bỉ, kiên trì và từ trước đến nay vẫn là nghề có thu nhập ổn định. Cũng bởi vậy, ông đã gắn bó với nghề truyền thống này từ nhỏ và chưa bao giờ có ý định từ bỏ nó.

Tâm sự với chúng tôi, nghệ nhân cho biết, từ nhỏ ông đã phụ cha làm những dụng cụ thô sơ, đơn giản từ gỗ và dần dần ông thích đục, đẽo, tự làm nên những đồ chơi từ gỗ cho mình. Thấy ông có thể ngồi cả ngày bên những mẩu gỗ, cha ông đã quyết định truyền nghề cho con. Sẵn có năng khiếu cộng với niềm đam mê, ông bắt nhịp rất nhanh, hơn cả mong đợi của cha. Miệt mài, tỉ mỉ đến từng chi tiết, các sản phẩm gỗ của ông đã đứng vững trên thị trường. Những sản phẩm gia dụng hằng ngày như: giường, tủ, bàn ghế, kệ…lúc nào cũng chắc chắn và mang nét riêng bởi bàn tay tài hoa của ông. Những sản phẩm gỗ mỹ nghệ thì người xem luôn cảm nhận được cái hồn trong đó. Sản phẩm do ông làm ra được người trong nghề cũng như khách hàng đánh giá rất cao về kỹ, mỹ thuật. Theo ông, để làm ra đồ gỗ đẹp, tinh xảo đòi hỏi người thợ phải bền bỉ, khéo léo, tính toán căn cơ, chuẩn mực trong từng chi tiết, đồng thời cũng tốn rất nhiều thời gian và hơn cả là niềm đam mê, thổi hồn vào mỗi sản phẩm. Vì yêu nghề, ông đã truyền nghề lại cho cả 2 người con trai và không ngần ngại truyền dạy bao lớp người học nghề mộc tại địa phương và khu vực lân cận, có người giờ cũng đã trở thành nghệ nhân. Với những cống hiến không nhỏ cho làng nghề, năm 2011, Nguyễn Ngọc Quế được công nhận nghệ nhân nghề mộc.

Từ nhiều năm nay, gia đình nghệ nhân tập trung sản xuất các sản phẩm truyền thống gồm sập, gụ, tủ chè và những sản phẩm gia dụng khác. Dưới đôi bàn tay tài hoa, mỗi sản phẩm ông chế tác luôn chứa đựng cái tâm, cái tài của người làm nghề. Ông Quế bộc bạch: Hơn 4 thập kỷ gắn bó với cưa, với đục khiến ông hiểu và thuộc từng khúc gỗ như lòng bàn tay. Tình yêu với nghề nhắc nhở ông phải luôn tìm tòi, sáng tạo và đổi mới để giữ lấy nghề trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường. Nay đã ngoài 60 tuổi, nghệ nhân còn miệt mài với những bức tượng, chân dung và ông dành thời gian để nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm độc đáo, tinh xảo khác.

Chứng kiến sự đổi thay, phát triển vượt bậc của làng nghề mộc Thanh Lãng, người nghệ nhân phấn khởi bởi đã có nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú hơn trước; được hỗ trợ điện khí hóa, người thợ làm ra nhiều sản phẩm mà không vất vả như trước, trong đó có sản phẩm đã được xuất khẩu. Tuy nhiên, điều ông còn trăn trở chính là mặt trái của việc hỗ trợ máy móc trong sản xuất nghề mộc, người thợ dựa vào máy móc nhiều, không tự nghiên cứu, thiết kế bằng sự sáng tạo của bản thân nên những sản phẩm mộc giờ không có nét đặc trưng, phong cách riêng của từng người thợ. Ông là một trong số ít người thợ làm nghề còn giữ được phương pháp làm nghề truyền thống.

Là nghệ nhân trẻ tuổi và duy nhất của làng nghề chế tác đá Hải Lựu, huyện Sông Lô, Nguyễn Xuân Tráng đang nỗ lực cùng những người thợ trẻ thắp lên ngọn lửa cho làng nghề chế tác đá Hải Lựu đang có nguy cơ mai một.

Nghệ nhân Nguyễn Xuân Tráng mong muốn phục dựng lại làng nghề chế tác đá Hải Lựu

Sinh ra trong gia đình có 3 đời làm nghề chế tác đá, từ nhỏ, Nguyễn Xuân Tráng đã được vun đắp tình yêu nghề đá. Anh tự mày mò làm ra những sản phẩm đồ chơi từ đá. Những tiếng đục đẽo chát chúa của cha lúc nửa đêm hay tiếng kẽo kẹt từ gánh hàng nặng trĩu của mẹ đã hằn sâu trong tâm trí anh. Cứ thế, tình yêu với đá mỗi ngày lớn dần trong anh. Với mong muốn theo nghề, phát triển và giữ gìn làng nghề truyền thống của cha ông để lại, năm 1998, anh theo học chương trình đào tạo phát triển làng nghề truyền thống của tỉnh. Sau 3 năm, anh tiếp tục theo thầy vào Đà Nẵng học tiếp 4 năm để thành nghề. Muốn lành nghề và đúc rút thêm kinh nghiệm, anh đi làm thuê tại một số xưởng chế tác đá ở Hà Nội. Năm 2010, Tráng về quê, mở xưởng chế tác tại thành phố Phúc Yên, rồi xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường cho đến nay. Anh tâm sự: Hải Lựu quê anh xa trung tâm, giá thành sản phẩm từ đá lại cao so với thu nhập của người dân. Cho nên muốn phát triển nghề, anh đã phải tìm những địa điểm phù hợp để mở xưởng.

Dưới đôi bàn tay tài hoa và con mắt thẩm mỹ của anh, những khối đá vô tri đã trở nên có hồn hơn cả tranh vẽ. Ngày nay, công việc chế tác đá không còn vất vả như trước, do một số công đoạn đã có máy móc thay thế bàn tay con người. Tuy nhiên, để có một tác phẩm đá mỹ nghệ có chất lượng thì người thợ chế tác đá phải truyền được cái tâm của mình vào từng tác phẩm. Với những nỗ lực và không ngừng sáng tạo của bản thân, anh đã tạo  nên những tác phẩm nghệ thuật được đánh giá cao ở trong và ngoài nước như: Bức tượng Phật đá xanh ngọc chùa Tùng Vân, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường đạt kỷ lục Unesco năm 2010; pho tượng phật ngọc Di lặc tại Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên. Cũng từ những tác phẩm ấy, năm 2011, anh được UBND tỉnh công nhận nghệ nhân làng nghề, là nghệ nhân duy nhất của làng nghề chế tác đá Hải Lựu.

Hiện xưởng sản xuất của anh chủ yếu chế tác những loại con giống, tượng, lăng mộ... đáp ứng nhu cầu thị trường. Lợi nhuận hằng năm từ xưởng sản xuất khoảng 250 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động. Ngoài ra, anh còn đào tạo hàng trăm người theo nghề chế tác đá.

Nung nấu dự định sẽ phát triển và gìn giữ làng nghề truyền thống của cha ông, nghệ nhân Nguyễn Xuân Tráng mong muốn chính quyền các cấp quan tâm vực dậy và phát triển làng nghề chế tác đá Hải Lựu đang dần bị mai một để sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch. Bởi thực tế hiện nay, do không có mặt bằng sản xuất, nhiều thợ giỏi đã phải bươn chải ra ngoài làm ăn, có khi sang cả các tỉnh khác.

Chúng tôi có mặt tại xưởng sản xuất gốm của gia đình nghệ nhân Trần Văn Hải, tổ dân phố Lò Cang, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên. Ông Hải cho biết: Các sản phẩm gốm của gia đình ông chủ yếu bán lẻ cho người trực tiếp sử dụng những đồ dân dụng như: chum, tiểu, lọ chè, lọ hoa và số ít hàng mỹ nghệ, sản phẩm bán quanh năm, thời điểm khách đặt hàng nhiều nhất khoảng từ tháng 9 đến tháng 12 trong năm, nên cũng không cấp tập lắm vào dịp Tết.

Nghệ nhân Trần Văn Hải - một trong số ít người thợ gốm tâm huyết với phương pháp làm nghề truyền thống

Nhớ lại sự thăng trầm của nghề gốm Hương Canh, nghệ nhân Hải nói: “Làng gốm chúng tôi tới nay đã hơn 300 năm tuổi. Đã có một thời, gốm Hương Canh nổi tiếng khắp miền Bắc, miền Trung bởi những vật dụng bền, đẹp và nhất là màu men tự nhiên trên mỗi sản phẩm.” Theo ông, đây là nghề thủ công nhiều gian truân, vất vả; để làm ra một sản phẩm bên cạnh nguồn nguyên liệu chất lượng còn cần đôi bàn tay khéo léo, sự cần mẫn của người thợ và cũng không thể lơ là ở công đoạn nung sản phẩm. Bởi quy trình nung gốm chỉ có thể đốt lò than, củi thủ công mới đảm bảo chất lượng của sản phẩm và giữ được màu truyền thống. Hiện tại, mỗi tháng, gia đình ông sản xuất trên 30 sản phẩm, mang lại lợi nhuận gần 200 triệu đồng/năm.

Hơn 50 năm gắn bó với nghề gốm, nghệ nhân nhận thấy sự đổi thay mạnh mẽ của làng gốm quê hương. Ông Hải cho biết: Giờ đã có khuôn, máy móc hỗ trợ nhiều cho thợ gốm nhưng ông vẫn làm theo phương pháp thủ công, truyền thống bởi chất lượng đảm bảo hơn và ông cũng được thỏa sức sáng tạo.

Yêu nghề, muốn duy trì, phát triển làng nghề truyền thống, nghệ nhân không ngần ngại lặn lội lên tận Bắc Giang, Hòa Bình và một số tỉnh vùng cao phía Bắc để truyền nghề gốm. Nhiều thợ cũng từ Lạng Sơn, Hà Nội về để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ ông.

Vẫn luôn tâm huyết và bền bỉ tiếp sức cho làng nghề, ông mong muốn nghề gốm Hương Canh sớm được bảo tồn, gìn giữ bằng việc quy hoạch để phát triển làng nghề và quảng bá sản phẩm. Có như vậy, gốm Hương Canh mới phát triển, đứng vững trên thị trường và xuất khẩu ra nước ngoài. 

Theo vinhphuc.gov.vn

 

Tệp đính kèm