Từ xa xưa, treo tranh dân gian đã trở thành một thú chơi tao nhã, một phong tục đẹp của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Dù xã hội hiện đại có nhiều đổi thay, những người tâm huyết với dòng tranh truyền thống vẫn níu giữ những nét xuân qua những bức tranh dân gian đậm màu dân tộc.
Hình tượng con lợn trong tranh dân gian Đông Hồ là một trong những bức tranh được các nghệ nhân tạo hình đẹp nhất. Con lợn trong tranh Đông Hồ vừa mang tính trang trí cao, vừa được chắt lọc và điển hình hóa. Đặc biệt, với tranh vẽ về con lợn trong tranh dân gian Đông Hồ, các nghệ nhân tạo hình mọi đường nét căng tròn, các đường cong đều đặn, từ lợn con, đến lợn mẹ, … tất cả đều tươi tắn. Trên mình những con lợn còn có biểu tượng âm dương hòa hợp để phát triển.
Một dòng tranh Tết dân gian nữa cũng mang vẻ đẹp con lợn vào tranh, thể hiện khát vọng sống tươi vui, ấm no của người dân, đó là tranh đỏ Kim Hoàng (làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Khác với tạo hình con lợn tươi trong trên nền giấy điệp như tranh Đông Hồ, con lợn trong tranh đỏ Kim Hoàng được vẽ trên nền giấy điều màu đỏ hoặc màu vàng, những đường nét tạo hình in màu đen, thêm những nét vẽ màu trắng tạo nên nét đẹp tự nhiên, mạnh mẽ. Sau nhiều nỗ lực, những người tâm huyết với dòng tranh dân gian Kim Hoàng đã khôi phục mẫu tranh đôi con lợn thể hiện sự đăng đối khi treo.
Xuân Kỷ Hợi, tranh dân gian con lợn được làm nhiều nhất và cũng thu hút sự quan tâm của người chơi tranh nhất. Những bức tranh mang màu sắc tươi tắn vẫn mang trong mình ước vọng về một năm mới nhiều may mắn, đủ đầy, hạnh phúc.
Dù là dòng tranh dân gian Đông Hồ, tranh đỏ Kim Hoàng hay các dòng tranh dân gian vẽ lợn khác; Dù tạo hình, nét vẽ, màu sắc trong các bức tranh được các nghệ nhân thể hiện khác nhau, trên nền vật liệu khác nhau… nhưng tất cả đều có một ý niệm chung, đó là ước nguyện về một cuộc sống no đủ, sung túc, nảy nở sinh sôi.
Theo Truyền hình Thông tấn