Cập nhật: 08/02/2019 09:51:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Không chỉ đam mê nghiên cứu khoa học, TS Chu Đình Tới còn được biết đến là tài năng trẻ biết chinh phục tri thức bằng những học bổng danh giá...

Tiến sĩ (TS) Chu Đình Tới (sinh năm 1983), giảng viên khoa Sinh học, ĐH Sư phạm Hà Nội là một trong 10 cá nhân đạt Giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên Quả cầu vàng năm 2018.

Không chỉ là nhà khoa học trẻ tuổi nhiệt huyết mà anh còn được biết đến là một người chuyên “săn” tìm những học bổng danh giá đến từ nhiều nước có nền học thuật phát triển và rất khắt khe trong việc tuyển dụng nhân tài. Trong đó, anh nổi lên là một trong 25 người xuất sắc nhất trên thế giới được nhận tài trợ của chương trình “Học giả sau TS Marie Curie về y học của Liên minh châu Âu” năm 2015 với tổng giá trị lên tới gần 10 tỷ đồng.

Nhà khoa học trẻ Chu Đình Tới.

Vượt qua những đối thủ “nặng ký” để giành học bổng danh giá

Tốt nghiệp khoa Thú y, ĐH Nông nghiệp năm 2006 với thành thích học tập nổi bật, anh Chu Đình Tới được các thầy cô tại khoa Sinh, ĐH Sư phạm Hà Nội tạo điều kiện về làm giảng viên. Trong thời gian này, anh đã nhận được một vài học bổng để đi học thạc sĩ, TS ở một số nước.

Tuy nhiên, năm 2009, TS Chu Đình Tới đã quyết định nhận học bổng thạc sĩ của ĐH Ulsan và Chính phủ Hàn Quốc. Sau khi học xong chương trình cao học, đến năm 2011, anh  trở về nước làm việc và nhận được một số học bổng TS. Cuối cùng, anh đã chọn học bổng đào tạo TS của Liên minh châu Âu ở Ba Lan về phân ngành Sinh Y dưới sự hướng dẫn của GS nổi tiếng người Mỹ Leslie P. Kozak. Trong thời gian học TS ở đây, anh cũng có dịp sang Vương quốc Anh, CHLB Đức và Đan Mạch.

Năm 2015, sau khi học xong TS thì nhà khoa học trẻ Chu Đình Tới lại rất vinh dự là một trong 25 người xuất sắc nhất trên thế giới được nhận tài trợ của chương trình “Học giả sau TS Marie Curie về Y học của Liên minh châu Âu” với giá trị lên tới gần 10 tỷ đồng trong 3 năm. Đây là một trong những chương trình học bổng lớn nhất thế giới, có mục đích thu hút tài năng trẻ có trình độ từ TS trở lên từ khắp nơi trên thế giới đến châu Âu làm việc để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy ĐH.

Những người nhận được học bổng danh giá này phải có những công bố khoa học uy tín, thiết thực và được trích dẫn nhiều. Điều đáng ngạc nhiên là trong số 25 người được nhận học bổng thì có nhiều người có học hàm phó giáo sư đến từ các nước châu Âu có nền học thuật và nghiên cứu khoa học nổi tiếng. Tuy nhiên, vượt qua những ứng cử viên “nặng ký”, TS Chu Đình Tới đã lọt tốp nghiên cứu sinh trẻ tuổi có tiềm năng nhất.

TS Chu Đình Tới (đứng hàng đầu tiên, thứ 2 từ trái sang) trong lễ nhận Giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên Quả cầu vàng năm 2018.

Với học bổng trị giá đó, nhà khoa học trẻ Chu Đình Tới đã thực hiện nghiên cứu sau tiến sĩ tại khoa Y học, ĐH Oslo của Na Uy từ năm 2015-2018. Sau khi xong chương trình, anh lại được một số trường ĐH ở Ba Lan, Vương Quốc Anh, Mỹ, Australia mời làm việc nhưng anh lại quyết định về trở về nước công tác.

Có thể nói, tất cả những công trình nghiên cứu của TS Chu Đình Tới từ năm 2006 đến nay tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Y học lâm sàng, Y học phân tử, dinh dưỡng thực phẩm. Cho đến nay, anh đã có hơn 40 công trình này đã được đăng tải ở trên các tạp chí uy tín quốc tế, trong đó công trình nghiên cứu tế bào gốc mô mỡ của anh đã có hơn 20 tạp chí uy tín trên thế giới trích dẫn lại.

Điều đặc biệt là trong số các công trình khoa học công bố quốc tế uy tín, có một số công trình hữu ích trong đời sống thực tiễn như đề cập việc ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin đến sức khỏe răng miệng. Công trình cũng giúp cho các cơ quan chức năng và người dân có thể khởi kiện lại các công ty của Mỹ đã sử dụng chất độc da cam trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có công trình nghiên cứu chẩn đoán hình ảnh giúp cho người dân chẩn đoán tốt hơn những bệnh ở người như các bệnh về thần kinh.

Như nhà leo núi mạo hiểm về học thuật

TS Nguyễn Thức Tuấn, giảng viên của Viện Nông nghiệp và Tài nguyên thuộc ĐH Vinh nhận xét: “TS Chu Đình Tới là người có năng lực và rất nghiêm túc trong công tác nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, anh còn là người năng động, có trách nhiệm với các hoạt động xã hội. Đặc biệt, anh là một giảng viên luôn biết truyền ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học, du học thành công cho các bạn trẻ”.

TS Chu Đình Tới được giáo sư người Mỹ ví như nhà leo núi mạo hiểm về học thuật

Để có những thành công trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, TS Chu Đình Tới phải nỗ lực rất nhiều từ việc trau dồi kiến thức ngoại ngữ, tự bổ sung kiến thức chuyên môn lẫn các kỹ năng làm việc trong môi trường làm việc nhiều áp lực ở nước ngoài.

Thời gian nghiên cứu sinh ở xứ người, anh đều phải tự thích nghi và xoay sở với thời tiết, văn hóa và môi trường ở xứ người trong sự xa cách, thiếu thốn tình cảm gia đình, người thân.

TS Tới chia sẻ, thời gian đầu làm nghiên cứu sinh ở Ba Lan, sống ở một nơi không bán đồ ăn Việt Nam, chưa quen với không khí lạnh xuống dưới âm 25 độ C và văn hóa ở đây nhưng anh vẫn tự nói với lòng mình là phải biết vượt qua. Phải đến 6 tháng sau, anh mới quen với một số người Việt Nam cũng định cư ở Ba Lan thì mới có thể có được những đồ ăn Việt và mới dần thích nghi với cuộc sống ở đất nước lạnh giá này.

Không chỉ biết vượt qua khó khăn về môi trường sống ở xứ người, TS Chu Đình Tới luôn kiên trì trong nghiên cứu khoa học. Nhiều lần nghiên cứu nhưng kết quả không ra đúng như mong đợi nhưng anh không nản lòng và luôn nuôi dưỡng, theo đuổi thử nghiệm lại trong mọi hoàn cảnh.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ và vất vả nhất khi học tập và làm việc ở nước ngoài là khi TS Chu Đình Tới viết và hoàn thiện luận án TS ở Ba Lan. Do thời gian gấp, để kịp bảo vệ luận án TS ở Ba Lan và nhận việc sau TS ở Nauy, nhà khoa học trẻ Chu Đình Tới đã làm việc liên tục hơn 12h mỗi ngày trong hơn 1 tuần để để hoàn thiện luận án dưới sự hướng dẫn của GS Leslie P. Kozak.

Trong hơn 1 tuần đó, có những hôm 4h sáng, hai thày trò vẫn gửi thư qua lại để trao đổi về nội dung cần sửa trong luận án. Trong thời gian này, anh thậm chí quên ăn, quyên ngủ để viết và sửa luận án, có những hôm một ngày chỉ ăn đúng một bữa.

Khi TS Chu Đình Tới bảo vệ luận án tiến sĩ, Giáo sư hướng dẫn người Mỹ đã khóc và nhận xét anh đã quá mạo hiểm như là một nhà leo núi về học thuật vì đi từ nền văn hóa khác sang châu Âu. Vì mặc dù sang học TS sau, anh đã tốt nghiệp sớm hơn các nghiên cứu sinh khác khác đến từ các nước có nền học thuật phát triển mạnh.

Giảng viên trẻ Chu Đình Tới (thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp tại Hội nghị về sinh y được tổ chức tại Italy năm 2017.

Khát khao truyền lửa đam mê khoa học cho các bạn trẻ

Bên cạnh công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, TS Chu Đình Tới còn tích cực tham gia viết sách về lĩnh vực khoa học và kỹ năng sống, tìm kiếm học bổng và du học cho giới trẻ. Hai cuốn sách “Hành trang du học” xuất bản năm 2015 và “Tôi đã đi du học bằng học bổng như thế nào” xuất bản năm 2016 được đón đọc nhiều và nằm trong top 10 cuốn sách bán chạy nhất về lĩnh vực văn hóa – du lịch của Tiki năm 2017.

Chia sẻ về bí quyết nhận được những học bổng danh giá ở nước ngoài, TS Chu Đình Tới cho biết, các bạn trẻ phải trang bị cho mình những tri thức thật tốt, tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học. Một yếu tố không thể thiếu khi sang nước ngoài là các bạn trẻ phải chăm chỉ trau dồi ngoại ngữ. Bên cạnh đó, các bạn trẻ phải chuẩn bị tinh thần tự chăm sóc bản thân khi học tập ở nước ngoài, làm việc độc lập; biết trang bị kỹ năng làm việc theo theo nhóm trong môi trường làm việc đa quốc gia. Tất cả những yếu tố này đều được thể hiện ở trong những bài luận.

Mong muốn truyền niềm đam mê khoa học đến các bạn sinh viên, TS Chu Đình Tới cho biết sẽ tiếp tục phát triển nhóm các nhà khoa học trẻ về y học để giúp họ có thể khả năng nghiên cứu khoa học đạt đẳng cấp quốc tế.

Đối với những công trình khoa học đã được công nhận, TS Chu Đình Tới sẽ tiếp tục đi sâu nghiên cứu để cho ra những sản phẩm hữu ích ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Còn những nghiên cứu cơ bản, hàn lâm, anh khát khao tiếp tục triển khai để có thể trở thành nghiên cứu tiền lâm sàng, tiến tới áp dụng trong việc chữa bệnh cho con người./.

Theo Bích Lan/VOV.VN

Tệp đính kèm