Cập nhật: 08/02/2019 10:38:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một đêm ngủ sâu giấc rất quan trọng, nó giúp cải thiện sự tập trung và hình thành trí nhớ. Nếu ngủ không đủ, giấc ngủ kém chất lượng sẽ gây nhiều bệnh. Vậy làm thế nào để người cao tuổi có được giấc ngủ ngon?

Giấc ngủ cho phép cơ thể điều chỉnh các thiệt hại về tế bào xảy ra trong suốt cả ngày, làm mới hệ thống miễn dịch của bạn và ngăn ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, người cao tuổi thường bị rối loạn giấc ngủ như: Có thể thấy buồn ngủ sớm hơn vào buổi tối, bị mất ngủ, tình trạng khó đi vào giấc ngủ hoặc  ngủ không ngon giấc... Họ có thể thức giấc rất sớm vào buổi sáng và không thể ngủ trở lại.

Việc không ngủ đủ giấc hoặc ngủ không ngon vào ban đêm có thể dẫn đến trầm cảm, giảm chú ý, các vấn đề về trí nhớ cũng như tình trạng buồn ngủ vào ban ngày. Hơn nữa, giấc ngủ không đủ có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, cân nặng và ung thư vú ở nữ giới.

Người cao tuổi cần ngủ bao lâu?

Hầu hết người trưởng thành cần 7 hoặc 8 giờ ngủ mỗi đêm để cảm thấy hoàn toàn tỉnh táo trong ngày. Điều này cũng đúng cho những người trên 65 tuổi. Nhưng khi lớn tuổi, chúng ta khó ngủ hơn. Nhiều thứ có thể cản trở việc ngủ tốt hoặc ngủ đủ lâu để cơ thể nghỉ ngơi đầy đủ.

Tuy nhiên, thức dậy như thế nào vào buổi sáng quan trọng hơn ngủ bao nhiêu lâu vào ban đêm. Nếu không ngủ đủ, bạn sẽ có thể thức dậy với cảm giác khó chịu, mệt mỏi suốt cả ngày.

Các rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi có thể  điều trị  nếu khám và can thiệp sớm.

Điều gì gây cản trở giấc ngủ?

Khi qua tuổi 65, chu kỳ “ngủ-thức” không như lúc còn trẻ. Ở người cao tuổi, cơ thể ít sản xuất ra các hoá chất và hormon giúp ngủ ngon (hormon tăng trưởng và melatonin). Thói quen và lối sống (như hút thuốc và uống rượu hoặc đồ uống có chứa caffein) có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ.

Rối loạn giấc ngủ có thể được gây ra bởi bệnh tật, bởi những cơn đau cản trở giấc ngủ hoặc bởi những loại thuốc khiến người ta tỉnh táo như hội chứng ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên hoặc rối loạn chuyển động chân tay chu kỳ, mất ngủ (khó bắt đầu và duy trì giấc ngủ), ngủ rũ...

Làm gì để ngủ ngon hơn?

Các rối loạn giấc ngủ ở người già có thể điều trị được nếu được chẩn đoán và can thiệp sớm. Vì vậy bệnh nhân cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được khám và tư vấn về điều trị rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, có thể thực hiện một số biện pháp không dùng thuốc cho những người cao tuổi để có được những giấc ngủ sâu và thức dậy với tâm trạng thoải mái:

Đi ngủ và thức dậy cùng một giờ vào mỗi ngày, ngay cả vào cuối tuần.

Đừng ngủ trưa lâu hơn 20 phút.

Không đọc, ăn vặt hoặc xem tivi trên giường. Không đọc từ các thiết bị điện tử như iPad trước giờ ngủ.

Tránh đồ ăn, đồ uống có caffein khoảng 8 giờ trước khi đi ngủ.

Tránh nicotin và rượu vào buổi tối. Rượu có thể giúp bạn đi vào giấc ngủ ban đầu, nhưng nó có thể sẽ làm bạn thức dậy vào giữa đêm.

Trước lúc ngủ nên tắm, chơi nhạc, thiền, hít thở sâu để giúp thư giãn.

Tránh các bữa ăn chính và thức ăn nhiều gia vị trước khi đi ngủ, đặc biệt nếu chúng gây khó tiêu hoặc khó chịu. Ăn nhẹ, bao gồm bánh quy giòn, ngũ cốc và sữa, sữa chua hoặc sữa ấm.

Hạn chế uống nước quá nhiều trước khi ngủ.

Đừng cố gắng ngủ. Nếu sau 30 phút mà không ngủ được, hãy thức dậy đọc sách hay nghe nhạc nhẹ nhàng ở một phòng khác. Sau đó, hãy thử ngủ một lần nữa.

Một số thuốc có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ: Các thuốc chống trầm cảm, thuốc ức chế beta và các loại thuốc tim mạch. Hãy hỏi bác sĩ để được giúp đỡ.

TS.BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm