Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ phá thai; phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên cao trong khu vực Ðông - Nam Á cũng như trên thế giới. Ðặc biệt, nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đòi hỏi các ngành liên quan và gia đình cần có những biện pháp ngăn chặn kịp thời, không để hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Cán bộ dân số quận Ba Ðình (Hà Nội) tư vấn, hướng dẫn các bạn trẻ biện pháp tránh thai.
Hậu quả của sự thiếu hiểu biết
Ôm hôn trên ghế đá, nằm lên bãi cỏ, thậm chí thể hiện tình cảm thân mật tại nơi công cộng... là những hình ảnh khiếm nhã của giới trẻ vẫn diễn ra hằng ngày ở đâu đó. Những khái niệm như "quan hệ tình dục trước hôn nhân", "sống thử",... đã trở nên không lạ lẫm trong đời sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Ðáng lo ngại, nhiều bạn khi được hỏi đã không ngại ngùng cho rằng, quan điểm yêu của giới trẻ bây giờ là phải quan hệ tình dục, như vậy mới thể hiện được tình yêu dành cho nhau. Có những nhóm học sinh tuổi mới lớn nhưng đã có đời sống tình dục rất thoáng… Các em thiếu kiến thức về tình dục an toàn, cho nên phải gánh không ít hệ lụy như nạo phá thai, có con ngoài ý muốn, trở thành cha mẹ ở tuổi cắp sách đến trường... Một số em để tránh mang thai, thường sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp. Nhưng khi được hỏi về hậu quả của việc dùng thuốc tránh thai không đúng cách thì các em đều mơ hồ.
Trong vai người nhà đưa cháu gái đi "giải quyết" tại một phòng khám sản phụ khoa trên đường Thái Hà (Hà Nội), tôi gặp Hồng H. nữ sinh 16 tuổi, đang học ở một trường thuộc quận Hà Ðông. Ði cùng H. là người mẹ, với gương mặt thẫn thờ lộ vẻ lo lắng, chốc chốc lại nhấp nhổm nhìn vào phòng tiểu phẫu đợi đến lượt gọi tên con… Nén tiếng thở dài, mẹ H. tâm sự, con gái chị trước nay nổi tiếng ngoan hiền, học giỏi, sáng mẹ hoặc anh trai đưa đi học, trưa ở lại trường, chiều lại có người đón về, chưa bao giờ để con tự đi một mình, kể cả học thêm. Thế nhưng, một lần thấy con gái nôn ọe khi đang ăn cơm cùng gia đình, nghĩ con học bài khuya, căng thẳng có khi ảnh hưởng sức khỏe, cho nên gia đình đưa em đi khám thì biết cháu đã mang thai tám tuần. Khi bác sĩ gọi vào làm thủ thuật, lúc này cô bé mới tỏ rõ sự hốt hoảng, quay lại níu tay mẹ với vẻ mặt đầy sợ hãi.
Bên cạnh mẹ con bé H. là "đại gia đình" của một bé gái ở Hà Tĩnh đang chăm sóc con sau khi đã làm thủ thuật bỏ bào thai. Cô gái nhỏ thó, mặt xanh như tàu lá. Mới 16 tuổi, Nguyễn Ngọc P. đã bỏ thai 14 tuần tuổi. Bác sĩ cho biết, nhiều khả năng P. không còn khả năng làm mẹ.
Những con số báo động
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), mỗi năm nước ta có khoảng 250 đến 300 nghìn ca nạo phá thai được báo cáo chính thức. Trong khi đó, theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, khoảng từ 20 đến 30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và từ 60 đến 70% là sinh viên, học sinh, chủ yếu ở độ tuổi từ 15 đến 19. Trong đó, khoảng 20% ở độ tuổi vị thành niên. Con số này cho thấy, chúng ta đang là nước đứng thứ năm trên thế giới và đứng đầu khu vực Ðông - Nam Á về tình trạng nạo phá thai.
Phó Vụ trưởng Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Ðinh Anh Tuấn cho biết, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở nước ta được duy trì ở mức khoảng 75 đến 79% trong nhiều năm qua, nhưng tỷ lệ phá thai vẫn cao là do còn nhiều trường hợp không áp dụng biện pháp tránh thai; có nhu cầu nhưng không được đáp ứng và nhất là thất bại trong các biện pháp tránh thai. Có những em đã phải trở thành bà mẹ "bất đắc dĩ" khi mới hơn 10 tuổi và có những em 15 tuổi đã nạo phá thai từ hai lần. Cá biệt, có những trường hợp phát hiện mang bầu thì thai đã hơn bảy tháng mới đến phá, nhưng lúc đó đã không thể bỏ thai được nữa... Theo nhiều chuyên gia lĩnh vực sinh sản, những con số được công bố chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều. Thực tế này khiến bất cứ ai cũng phải giật mình về tình trạng nạo phá thai đáng báo động ở nước ta và mối nguy hại với thế hệ trẻ.
Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản vô sinh TP Hồ Chí Minh cho biết: Không ít cô gái bỏ thai đến lần thứ ba, thứ tư dù đã được tư vấn về các biện pháp phòng tránh, nguy cơ tai biến sau nạo hút, nhưng chỉ vài tháng sau vẫn lại khuôn mặt ở độ tuổi thanh, thiếu niên đó đến nhờ bác sĩ giải quyết. Nạo phá thai dù một lần hay nhiều lần đều để lại những hậu quả nặng nề về sức khỏe cũng như tâm lý. Nhiều bé gái đến bỏ thai khi cơ thể đang trong giai đoạn phát triển mới qua tuổi dậy thì, cho nên rất nhiều biến chứng nguy hiểm xảy ra như: Nhiễm trùng, băng huyết, sót nhau, thủng tử cung, chửa ngoài dạ con, vô sinh... Còn nạo phá thai tại các phòng mạch tư nhân không có chuyên môn có thể dẫn đến vô sinh hoặc đe dọa nghiêm trọng tính mạng người mẹ. Vô sinh đối với phụ nữ chưa có con và nhất là đối với tuổi vị thành niên là một nỗi đau cả về thể chất và tâm hồn, gây ám ảnh lâu dài.
Theo Tổng cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Doãn Tú, cần có những giải pháp tổng thể với sự tham gia của các ngành liên quan, chủ thể cùng các phụ huynh. Bên cạnh tuyên truyền, cần nghiêm cấm các nhà thuốc tư nhân, phòng khám tư nhân bán thuốc hoặc bỏ thai cho người ở tuổi vị thành niên, thanh niên. Với những cơ sở được phép thì các ca nạo phá thai là thanh niên, vị thành niên phải có cha mẹ đi cùng. Ngoài ra, trường học nên có nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề, tuyên truyền định hướng cho trẻ vị thành niên, thanh niên hiểu về giới tính, tình dục an toàn. Các bậc cha mẹ cần cởi mở dạy dỗ, chỉ bảo con trong việc quan hệ tình dục an toàn.
"Mang thai ở tuổi vị thành niên để lại những tai biến có thể xảy đến trong quá trình thai nghén như sản giật, tiền sản giật, đe dọa tính mạng người mẹ, nếu không cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe sinh sản sau này. Ðể con ở tuổi vị thành niên mang thai từ 19 đến 20 tuần mà không phát hiện ra thì cha mẹ cũng có lỗi một phần vì thiếu quan tâm, không giáo dục sức khỏe sinh sản cho con từ sớm để các em có ý thức bảo vệ mình".
Nguyễn Viết Tiến
Thứ trưởng Y tế