Lễ giỗ Tổ làng nghề mộc Kim Bồng diễn ra vào ngày Mồng 6 Tết tại xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Sáng nay (10/2), nhằm ngày Mồng 6 Tết diễn ra lễ giỗ Tổ làng nghề mộc Kim Bồng tại xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nghề này được hình thành từ thế kỷ 15 bởi những người thợ quê từ đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh di cư vào khai khẩn lập làng.
Lễ cúng tổ nghề mộc.
Cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, nghề mộc bắt đầu phát triển cùng với sự phồn thịnh của thương cảng Hội An. Đến thế kỷ 18, nghề mộc phát triển mạnh gồm ba nhóm chính là mộc xây dựng các công trình kiến trúc, mộc dân dụng và nghề đóng sửa tàu thuyền. Lúc này, hầu hết kiến trúc của Hội An đều do bàn tay tài hoa người thợ Kim Bồng làm nên.
Đặc biệt, thợ Kim Bồng cũng được các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong và sau này là triều đình Nhà Nguyễn mời ra kinh đô xây dựng các cung điện, lăng tẩm. Đây cũng là thời gian nghề mộc Kim Bồng vang danh nhất bởi sự tinh hoa của những người thợ Kim Bồng.
Ngày nay, nghề mộc Kim Bồng còn có cả phụ nữ tham gia.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề mộc Kim Bồng dần mai một thất truyền. Làng nghề chỉ thật sự được hồi sinh vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, với sự hỗ trợ của chính quyền thị xã Hội An (nay là thành phố Hội An) cùng tổ chức UNESCO trong việc xây dựng nhà xưởng, mở nhiều lớp đào tạo, nâng cao tay nghề…
Thế hệ trẻ giữ được nghề mộc của cha ông.
Nghệ nhân Huỳnh Ri ở làng mộc Kim Bồng cho biết, ban đầu chỉ có 4 dòng họ là Nguyễn, Huỳnh, Phan, Trương từ miền Bắc di cư vào khai phá đất đai, phổ truyền nghề mộc. Do đó, giỗ tổ làng nghề cũng là dịp để nhớ ơn các bậc tiền nhân có công lập làng, truyền dạy nghề.
"Lễ hội dành cho tất cả công, nông, ngư, chứ không riêng gì nghề mộc Kim Bồng. Nay gọi là mộc Kim Bồng vì hồi trước nghề mộc là đứng đầu, 85% người dân trong làng làm nghề mộc", Nghệ nhân Huỳnh Ri chia sẻ./.
Theo Hoài Nam/VOV.VN