Hoạt động thu hồi tài sản do phạm tội mà có ở nước ta thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều vụ án không thể thu hồi do tài sản đã bị tẩu tán. Thực trạng này đòi hỏi cần có một cơ chế phối hợp liên ngành trong nước và giữa các cơ quan có thẩm quyền ở các quốc gia có liên quan.
Trong giai đoạn hiện nay, thu hồi tài sản do phạm tội mà có, nhất là tài sản tham nhũng, là vấn đề được Chính phủ các quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế quan tâm hàng đầu. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), dòng tài sản có được từ hoạt động tội phạm, tham nhũng và trốn thuế di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác ước tính khoảng 1 đến 1,6 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, một nửa con số này bị thất thoát khỏi các quốc gia đang phát triển. Tại Việt Nam, vấn đề thu hồi tài sản do phạm tội mà có, nhất là tài sản tham nhũng trong các vụ “đại án” kinh tế đang là vấn đề được cả hệ thống chính trị quan tâm và vào cuộc. Điều này thể hiện rõ trong cả chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như thực tiễn thực thi pháp luật trong những năm gần đây. Chỉ thị số 50/CT-TW ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp của công tác này là: Trong xử lý tham nhũng phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có. Xử lý nghiêm những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng...
Theo báo cáo của Đảng ủy Công an T.Ư, trong những năm qua công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự được Đảng ủy Công an T.Ư quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả ngày càng tốt hơn. Trong năm 2018, lực lượng công an phối hợp các bộ, ngành thực hiện tích cực việc thu hồi tài sản trong các vụ án lớn như vụ án của Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn, Hà Văn Thắm, Huỳnh Thị Huyền Như… Số tiền và tài sản thất thoát do bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế là rất lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước. Việc thu hồi tài sản tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tiền và tài sản thu hồi còn thấp hơn so với tổng số thiệt hại mà các đối tượng chiếm đoạt, gây thất thoát. Nhiều vụ án có số lượng tiền, tài sản chiếm đoạt lớn nhưng không thể thu hồi do bị tẩu tán. Điển hình như vụ án tham ô tài sản của Giang Kim Đạt, nguyên Quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines: Đạt nhờ bố đẻ của mình đứng ra mở nhiều tài khoản để nhận tiền từ nước ngoài chuyển về, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng. Sau đó, Đạt tẩu tán bằng cách mua 40 bất động sản để người thân khác trong gia đình đứng tên; chuyển nhượng, cho tặng bất động sản và mua đi bán lại 13 ô-tô nhằm hợp thức hóa sai phạm. Hay như mới đây, vụ án của Đinh La Thăng, tòa án buộc bị cáo Thăng thi hành án hơn 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, tài sản để thu hồi được xác định chỉ là căn hộ chung cư. Trong vụ việc này, dư luận xã hội vẫn còn nghi ngờ rằng tài sản đã bị tẩu tán ra nước ngoài.
Vừa qua, Bộ Công an cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Đó là, hành vi phạm tội diễn ra trước thời gian điều tra đã lâu, đối tượng phạm tội đã sử dụng hết số tiền bất chính, có thủ đoạn che giấu tài sản tinh vi như nhờ người khác đứng tên tài sản do phạm tội mà có, chuyển tiền hoặc tẩu tán ra nước ngoài, gây khó khăn cho việc xác định, thu hồi tài sản. Trong khi đó, hiện nay, việc kê khai tài sản vẫn còn hình thức, kê khai mới dựa vào tự giác, cơ quan có thẩm quyền chưa chủ động xác minh bản kê khai. Do đó, để xác định tài sản của người tham nhũng để kê biên, phong tỏa gặp nhiều khó khăn. Cách tính tỷ lệ tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng của các cơ quan chức năng còn chưa thống nhất, dẫn đến việc thống kê thu hồi tài sản chưa chính xác và đầy đủ. Công tác hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và trại giam chưa chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin về người phải thi hành án là phạm nhân… Bởi vậy, để công tác thu hồi tài sản do phạm tội mà có đạt hiệu quả, cần nhận thức đúng ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác này; xây dựng khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ về các biện pháp thu hồi tài sản do phạm tội mà có. Có cơ chế thực thi hiệu quả, thực hiện tốt các hoạt động phối hợp liên ngành trong nước và giữa các cơ quan có thẩm quyền ở các quốc gia có liên quan. Tăng cường năng lực chuyên môn cho cán bộ thực thi pháp luật có đủ kỹ năng, năng lực cần thiết để thực hiện các hoạt động thu hồi tài sản do phạm tội mà có.
Theo LÊ TÚ/nhandan.com.vn