Cập nhật: 31/05/2019 08:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tuổi thọ trung bình của con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thay đổi qua các thời kì, với xu hướng ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, tuổi thọ tăng lên phải đi liền với một sức khỏe tốt. Vậy làm thế nào để có thể sống khỏe, sống thọ?

Tuổi thọ trung bình đang tăng dần

Sống lâu hay tuổi thọ cao hiểu đơn giản là khả năng sống thời gian dài hơn bình thường hoặc hơn đa số những người xung quanh mình. Một số người sống đến 100 tuổi là xưa nay hiếm, chưa có ai chứng minh được tuổi thọ của con người là 130 – 140 hoặc cao hơn. Các nhà khoa học có đề xuất một phức hợp các chỉ tiêu xác định tuổi của người sống lâu và có thể coi một tiêu chuẩn của sự sống lâu là có con cháu thuộc thế hệ thứ 5.

Tuổi thọ trung bình con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thay đổi qua các thời kì với xu hướng ngày càng tăng lên. Vào thời kì nguyên thủy, tuổi thọ trung bình chỉ vào khoảng 18-20 năm, đến thời kì phong kiến ở châu Âu rơi vào khoảng 21 năm, sang thời kì phát triển của chủ nghĩa tư bản là 34 năm. Đến năm 1992, tuổi thọ trung bình đã có sự tăng lên đáng kể (tính trên toàn thế giới) là 62 tuổi đối với nam và 67 tuổi đối với nữ. Năm 2015 tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,5

Các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ và sức khỏe của con người được chia ra làm hai nhóm chính: Các yếu tố không thay đổi được (giới tính, màu da, quốc gia, khu vực, di truyền...) và các yếu tố có thể thay đổi được (lối sống, y tế, vệ sinh, dinh dưỡng...).

Các yếu tố tác động đến tuổi thọ, sức khỏe

Yếu tố không thay đổi được

Giới tính: Phụ nữ có xu hướng có tỉ lệ tử vong thấp hơn ở mọi lứa tuổi. Tuổi thọ trung bình của nữ cao hơn nhiều so với nam. Nguyên nhân chưa được lý giải chắc chắn. Các tranh luận trong quá khứ thường nêu ra các yếu tố xã hội môi trường: Nam thường sử dụng nhiều rượu, thuốc lá, chất gây nghiện hơn nữ ở các xã hội và thường tử vong vì các bệnh liên quan như ung thư phổi, lao, xơ gan. Nam giới cũng thường tử vong cao hơn nữ do các chấn thương, dù là vô ý (tai nạn giao thông) hay cố ý (tự tử, bạo lực, chiến tranh) hơn nữ giới. Nam giới thường có nguy cơ tử vong từ các nguyên nhân chủ yếu nêu trên cao hơn nữ. Có đến 90% những người sống đến 110 tuổi là nữ giới.

Lối sống đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đẩy lùi lão hóa, làm tăng tuổi thọ.

Màu da: Những người dân da đen ở châu Mỹ, Puerto Ricans và những  dân tộc thiểu số khác có tuổi thọ ngắn hơn dân da trắng.

Di truyền: Tuổi thọ của một cá nhân còn tùy thuộc vào huyết thống của gia tộc: Tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nếu huyết thống gia đình không có bệnh tật gì thì tuổi thọ của họ sẽ cao, ngược lại nếu gia đình có người bị bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, huyết áp... thì nguy cơ di truyền là rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ của họ.

Địa lý-vùng miền: Các vùng trên thế giới có sự khác biệt lớn về tuổi thọ trung bình, phần lớn nguyên nhân là do hệ thống chăm sóc sức khỏe, y tế cộng đồng và chế độ ăn uống. Các hoàn cảnh về kinh tế cũng tác động lên tuổi thọ trung bình. Điều này phản ánh các yếu tố như chế độ ăn uống và lối sống cũng như sự tiếp cận với chăm sóc y tế thấp.

Yếu tố thay đổi được

Chế độ dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng là một yếu tố có thể điều chỉnh để nâng cao sức khỏe, phòng ngừa và trị bệnh, tăng tuổi thọ. Hạn chế ăn các loại thực phẩm cung cấp nhiều năng lượng, những thực phẩm giàu chất béo, chất đường song lại ít chất xơ...; ăn nhiều các loại trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt... mỗi ngày; cố gắng ăn ngũ cốc trong mỗi bữa ăn; đảm bảo chế độ ăn nhiều rau xanh; hạn chế ăn thịt đỏ như thịt bò, thịt heo, thịt cừu và thịt đã qua chế biến như dăm bông, xúc xích, thịt hun khói...

Tránh đồ uống có đường, hạn chế đồ uống có cồn và mang tính chất kích thích. Người không hút thuốc lá và uống rượu có khuynh hướng sống lâu hơn người hút thuốc lá và uống rượu một cách quá độ do giảm nguy cơ mắc các bệnh về phổi, tim mạch, gan.

Tuổi thọ trung bình có xu hướng ngày càng tăng lên.

Lối sống: Lối sống và sinh hoạt hàng ngày đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đẩy lùi lão hóa, làm tăng tuổi thọ, bất kể là nam hay nữ giới. Có một lối sống tốt, lành mạnh đảm bảo cho con người có sức khỏe tốt và tuổi thọ cao hơn. Cần xây dựng một lối sống an toàn khỏe mạnh về cả thể chất và tinh thần như:

Đảm bảo trọng lượng lý tưởng duy trì BMI từ 18,5 đến 22,99 và duy trì một chỉ số vòng eo phù hợp (< 90 cm với nam và < 80 cm với nữ).

Xây dựng đời sống tinh thần vui vẻ, thương yêu và giúp đỡ mọi người; biết cách hóa giải các stress nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày; ngủ đủ giấc; luôn lạc quan và suy nghĩ tích cực... sẽ đẩy lùi bệnh tật, tăng tuổi thọ.

Đảm bảo hoạt động thể chất ít nhất 30 phút một ngày và ít nhất 5 ngày một tuần. Vận động cơ thể thường xuyên là một biện pháp giúp tăng cường sức khỏe, đẩy lùi lão hóa, bệnh tật. Nếu một người dù ăn, uống đủ chất, ngủ đủ thời gian và làm việc thường ngày mà không thường xuyên vận động cơ thể để khí huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái thì sự lão hóa sẽ diễn ra nhanh hơn. Có nhiều biện pháp để vận động cơ thể như đi bộ, chơi cầu lông, lắc vòng (nữ giới), bơi... trong đó đi bộ là thuận lợi nhất vì dễ áp dụng, không tốn kém...

Sắp xếp công việc hợp lý và khoa học. Công việc hàng ngày dù ở công sở hay công việc gia đình nếu với áp lực cao thường ảnh hưởng đến tâm lý, gây căng thẳng thần kinh (stress), nếu kéo dài sẽ làm tăng quá trình lão hóa, mắc bệnh tật hoặc làm gia tăng bệnh tật, từ đó làm giảm tuổi thọ. Vì vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi người nên tự làm giảm áp lực công việc cho mình.

Xây dựng đời sống tinh thần vui vẻ, thương yêu và giúp đỡ mọi người; biết cách hóa giải các stress nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày; ngủ đủ giấc; luôn lạc quan và suy nghĩ tích cực.

Giáo dục: Những người được giáo dục tốt có khuynh hướng sống lâu hơn người bị giới hạn giáo dục vì hạn chế rủi ro, sa ngã vào các vấn đề như nghiện hút và các tệ nạn xã hội khác...

Tình trạng hôn nhân: Những người đang chung sống vợ chồng hay đã có lần kết hôn thường sống lâu hơn người chưa bao giờ kết hôn vì họ có nhiều người lo lắng, quan tâm đến bản thân họ. Ý trí và lý trí cuộc sống của những người đã xây dựng gia đình lớn hơn những người chưa kết hôn vì họ sống không chỉ cho riêng họ mà còn sống vì những người khác.

Nghề nghiệp: Nghề nghiệp mưu sinh có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ và sức khỏe con người. Những người thường xuyên làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt như lênh đênh trên biển, làm việc trong các hầm lò... thường có tuổi thọ ngắn hơn.

Nhắc tới tuổi thọ chúng ta không thể bỏ qua các yếu tố mang tính “rủi ro” hay “may mắn”, chẳng hạn như các thảm họa, tai nạn, khí hậu khắc nghiệt cũng ảnh hưởng trực tiếp và quyết định không nhỏ đến tuổi thọ của con người.

BS. Lê Chung Thuỷ

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm