Cập nhật: 18/02/2019 14:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đó là một trong những yêu cầu đặt ra trong Kế hoạch công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2019 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia vừa được Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 389 Quốc gia - Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng ký ban hành.

Gia tăng kiểm tra mặt hàng xăng dầu là một trong những nội dung được đưa vào kế hoạch năm 2019 của BCĐ 389 quốc gia.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm triển khai đồng bộ, có hiệu quả Kế hoạch công tác năm 2019 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành và địa phương. Xây dựng các kế hoạch chuyên đề trọng tâm theo lĩnh vực, mặt hàng và tuyến. Tăng cường đấu tranh với các đối tượng cầm đầu buôn lậu, hoạt động có tổ chức. Kiên quyết không để hình thành các tụ điểm tập trung hàng lậu, hàng giả; giải quyết kịp thời, dứt điểm các hiện tượng nổi cộm về buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả.

Ban Chỉ đạo 389 các cấp tăng cường chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, thanh tra công vụ các cơ quan chức năng; xác định trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức, cá nhân, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tiếp tay cho đối tượng vi phạm.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nắm tình hình cả bề rộng lẫn chiều sâu, trên cơ sở đó dự báo sát tình hình, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết và Kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành như: Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9- 6-2015 của Chính phủ, Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30-9-2014, Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19-6-2018 về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền,... Quyết định số 05/QĐ-BCĐ389 ngày 23-9-2015 về đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới; Công điện số 229/CĐ-BCĐ389 ngày 15-6-2018 về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu mặt hàng thuốc lá, xì gà; Kế hoạch số 410/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; Kế hoạch 1239/KH-BCĐ389 về tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng. Kế hoạch 454/KH-BCĐ389 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019,...và các văn bản chỉ đạo khác về tăng cường công tác đấu tranh chống hành vi xâm phạm quyền sở hữ trí tuệ, công tác phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép khoáng sản.

Đổi mới công tác truyền thông cả bề rộng và chiều sâu để xã hội nhận biết tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tuyên truyền cho nhân dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm, cùng chung tay với các lực lượng chức năng trong lĩnh vực này.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đôn đốc thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Thành lập các Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hoặc giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 bộ, ngành chức năng tiến hành kiểm tra, thu thập thông tin, đánh giá thực trạng tình hình tại các địa phương, địa bàn trọng điểm, các hiện tượng nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kiểm tra việc chấp hành, thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch chuyên đề, ý kiến chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về lĩnh vực công tác này. Chỉ đạo, kiểm tra các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã phát hiện, bắt giữ.

Ban Chỉ đạo 389 địa phương lựa chọn đơn vị trọng điểm, lĩnh vực ngành hàng trọng điểm để chỉ đạo kiểm tra thực hiện các kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Quá trình kiểm tra cần xác định trách nhiệm, kiến nghị xử lý các đơn vị, cá nhân quản lý địa bàn, lĩnh vực để xảy ra vụ việc vi phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, các bộ, ngành xây dựng, sửa đổi, bổ sung và đề xuất kiến nghị các văn bản qui phạm pháp luật không còn phù hợp liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định còn sơ hở thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành để hỗ trợ lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới.

Các bộ, ngành, địa phương bố trí lực lượng đảm bảo phù hợp, hiệu quả; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, siết chặt kỷ cương kỷ luật. Có quy định cụ thể để điều chuyển, thay thế, kỷ luật người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đảm bảo điều kiện, phương tiện cho các lực lực lượng thi hành công vụ.

Chỉ đạo bộ, ngành, địa phương kiểm tra, thanh tra, đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giao chỉ tiêu cụ thể cho các lực lượng chức năng, tập trung công tác triệt xóa tuyến, địa bàn, tụ điểm, các đường dây, ổ nhóm,…Cụ thể như: Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trong khu vực kiểm soát hải quan tại các tuyến, địa bàn trọng điểm nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới... Chỉ đạo lực lượng Thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh nhưng phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, không để lợi dụng kẽ hở để buôn lậu, trốn thuế, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại,…

Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa; chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan triệt phá các tụ điểm tập kết, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng...

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình tình tuyến, địa bàn, đối tượng để lập hồ sơ đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu....

Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng xây dựng kế hoạch, chuyên đề, nhằm tăng cường công tác kiểm soát tuyến biên giới đường bộ, đường biển; tăng cường công tác trinh sát, tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình về hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển...

Các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia căn cứ chức năng nhiệm vụ chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung các biện pháp để nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực quản lý.

Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế xây dựng kế hoạch công tác năm 2019, trong đó cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và theo chức năng, địa bàn, lĩnh vực quản lý; xây dựng các kế hoạch chuyên đề đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng cấm và các mặt hàng khác như: xăng dầu, quặng, hàng điện tử, điện lạnh, điện thoại, linh kiện máy công cụ, ô tô, xe máy đã qua sử dụng, phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm, thuốc lá, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, nước ngọt, động vật hoang dã, gỗ, quần áo, vật liệu xây dựng. 

Theo HẰNG THU/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm