Bất chấp nỗ lực trong 20 năm của Mỹ và nhiều nước Mỹ latin, các băng đảng tội phạm, đặc biệt tại Mexico, vẫn phát triển mạnh trên phạm vi thế giới và ngày càng có xu hướng bạo lực hơn. Nguyên nhân chính của tình trạng này chính là do sự gia tăng nguồn thu từ buôn bán ma túy cùng với sự lỏng lẻo trong bộ máy hành pháp và tư pháp ở các nước Mỹ Latin.
Cảnh sát Colombia thu giữ hàng tấn ma túy từ một băng đảng. Ảnh: CNN
Làn sóng bạo lực gia tăng
Số liệu mới nhất của Chính phủ Mexico cho biết, trong năm 2018 xung đột giữa các băng đảng buôn bán ma tuý ở nước này đã khiến hơn 30.000 người thiệt mạng. Tại thành phố “điểm nóng” Tijuana giáp biên giới Mỹ, số vụ giết người đã lên tới con số 2.500 vào cuối năm 2018. Tính riêng 214 vụ giết người xảy ra trong tháng 12-2018, tổng số nạn nhân thiệt mạng lên tới 2.502 người. Đây là mức cao kỷ lục so năm 2017 với 1.780 trường hợp.
Theo thông tin do Văn phòng Tổng Chưởng lý Tijuana cung cấp, khoảng 85% số người thiệt mạng đều có liên quan đường dây buôn bán hoặc sử dụng ma túy. Các vụ bạo lực đẫm máu này đều xoay quanh cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa hai thế lực lớn là Cártel Tijuana Nueva Generación (CTNG) liên kết với El Cártel de Jalisco Nueva Generación (CJNG) chống lại Sinaloa Cartel, băng đảng của ông trùm đã sa lưới Joaquín “El Chapo” Guzmán. Ở một số khu vực khác, các phe phái đối địch trong nội bộ Sinaloa Cartel cũng thường xuyên đụng độ để giành quyền kiểm soát các thị trường tiêu thụ ma túy và những tuyến đường buôn lậu ma túy vào Mỹ.
Sau khi “El Chapo” bị bắt, khoảng trống quyền lực mà ông trùm trong thế giới tội phạm để lại đã làm nảy sinh những làn sóng bạo lực mới. Một thế hệ thanh niên của băng Sinaloa bị lôi kéo trở thành tội phạm và làm việc cho các con của “El Chapo” là Iván Archivaldo Guzmán Salazar và Jesús Alfredo Guzmán Salazar. Cuộc đụng độ giữa hai ông trùm trẻ của tổ chức tội phạm Sinaloa với liên minh của hai băng đảng CTNG và CJNG do Dámaso López Núñez đứng đầu gây ra tình trạng bạo lực tại các bang Baja California Sur, Sinaloa và thành phố Tijuana.
Không giống như các ông trùm thời trước, thế hệ tội phạm mới thường là những kẻ được giáo dục bài bản nhưng bản chất lại tàn bạo và táo tợn hơn. Ismael “El Mayo” Zambada, đối tượng từng làm việc cho “El Chapo” khai nhận: “Khoảng 15 đến 20 năm trước, chúng tôi không được sát hại người vô tội. Nhưng ngày nay, bọn tội phạm không quan tâm các quy tắc đó. Nếu thấy đối tượng của mình tại một nơi công cộng, chúng vẫn tới xả súng”.
Qua nhiều thập kỷ, người dân Sinaloa phải sống chung với môi trường đầy rẫy tội phạm có tổ chức. Ngày nay, nhiều người lo sợ rằng các thay đổi trong “thế giới ngầm” sẽ gây ra nhiều bạo lực hơn. Bà Leticia Villegas, một người dân địa phương cho biết, mặc dù người anh trai Adolfo Villegas là một giáo viên không liên quan thế giới tội phạm, nhưng vào tháng 3 vừa qua, anh đã bị bọn tội phạm bắt cóc và cho tới nay vẫn chưa có tung tích. “Nhà chức trách nói rằng đây là một cuộc tranh chấp giữa các nhóm tội phạm. Nhưng nhiều người vô tội cũng đang phải gánh chịu bạo lực”, Leticia nói.
Sự yếu kém của nhà chức trách
Trong khi tội phạm hoành hành thì những người đối đầu trực tiếp với chúng lại hoạt động kém hiệu quả, thậm chí là tha hóa và dính vào những vụ tham nhũng. Trong phiên tòa xét xử “El Chapo”, bồi thẩm đoàn đã được nghe các nhân chứng và bị cáo thú nhận nhiều hành vi hối lộ ngay từ những ngày đầu hoạt động. Các nhân chứng cho biết, từ những năm 80 của thế kỷ trước, Guzmán bắt đầu chuyển hàng triệu USD tiền hối lộ cho Guillermo González Calderoni, Cảnh sát trưởng liên bang của Thủ đô Mexico City. Từ một “huyền thoại” chống ma túy, Calderoni đã tiếp tay và tiết lộ nhiều thông tin cho “El Chapo”. Trước khi chính quyền Mexico triệt phá đường hầm buôn lậu ma túy của “El Chapo” đào dưới khu vực biên giới bang Arizona (Mỹ), Calderoni đã báo cho ông trùm này biết để tẩu thoát cùng lượng lớn ma túy.
Không chỉ mua chuộc nhiều bộ phận hành pháp nước này, các tổ chức tội phạm Mexico còn tha hóa nhiều cán bộ nhà nước ở quốc gia khác, đặc biệt tại Colombia, nơi cung cấp ma túy lớn nhất Mỹ latin. Tháng 11-2018, Juan Carlos Ramírez Abadía, trùm buôn ma túy người Colombia chuyên cung cấp “hàng trắng” cho “El Chapo” đã phải hầu tòa tại Tòa án Liên bang quận Brooklyn (Mỹ). Đối tượng khai nhận đã trả tiền hối lộ cho nhiều người, từ nhân viên tư pháp cho tới quan chức cấp cao ở Colombia. Vào năm 1997, Ramírez đã chi hơn 10 triệu USD để hối lộ nhiều thành viên của Quốc hội Colombia nhằm thay đổi Luật Dẫn độ theo hướng có lợi cho tên này. Thậm chí, Abadía còn khai báo đã trả tới 500.000 USD cho Ernesto Samper, cựu Tổng thống Colombia. “Tôi không thể trở thành thủ lĩnh của một băng đảng ma túy ở Colombia nếu không hối lộ một số quan chức trong chính quyền”, Abadía thú tội. Luật sư Jeffrey Lichtman từng làm việc cho “El Chapo” còn khai báo, các tổ chức tội phạm tại Mexico còn hối lộ các ứng cử viên tổng thống ở Guatemala và nhiều quan chức khác ở Mỹ latin.
Nỗ lực tiêu diệt tận gốc các băng đảng
Mặc dù kiếm tiền từ nhiều hoạt động phi pháp, nhưng buôn bán ma túy vẫn là nguồn thu quan trọng nhất của các băng đảng tội phạm. Bởi vậy, việc diệt trừ tận gốc nguồn cung cấp ma túy và ngăn chặn hoạt động buôn lậu ma túy qua biên giới vẫn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ và chính phủ các nước Mỹ latin hiện nay. Gần đây, theo báo cáo của Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm có tổ chức (UNDOC), quỹ đất đang được sử dụng để trồng cây coca làm nguyên liệu sản xuất ma túy ở Colombia hiện đạt mức cao kỷ lục là hơn 171.000 ha, tăng 17% so giữa năm 2016 và 2017. Vì thế, nước này cũng dẫn đầu thế giới về sản lượng ma túy với 1.379 tấn mỗi năm, trong khi Bắc Mỹ là khu vực có lượng người sử dụng ma túy lớn nhất.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đã thảo luận với Tổng thống Colombia, ông Ivan Duque, về các biện pháp hỗ trợ của Mỹ cho nước này, nhằm thực hiện mục tiêu chống sản xuất và buôn lậu ma túy. Tổng thống Duque khẳng định sự hỗ trợ của Mỹ trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ngoài ra, Chính phủ Colombia cũng có kế hoạch xóa sổ 100.000 ha cây coca vào năm 2019. Tổng thống Duque còn cho biết, vào tháng 11-2018, nước này đã hoàn thành việc tiêu hủy hơn 80.000 ha cây coca trồng bất hợp pháp.
Chính phủ Mexico cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ trong cuộc chiến chống ma túy. Từ năm 2006 đến 2017, Washington không chỉ cung cấp hơn 2,9 tỷ USD mà còn hỗ trợ quân sự cho các lực lượng an ninh nước này. Tháng 8-2018, các cơ quan hành pháp của Mỹ và Mexico đã thành lập một nhóm chung có trụ sở tại Chicago (Mỹ) với nhiệm vụ truy bắt các “đầu sỏ” và triệt tiêu nguồn tài chính của các băng đảng ma túy. Tổng thống Mexico Andres Obrador tuyên bố sẽ có các biện pháp cứng rắn hơn trong cuộc chiến chống lại các băng đảng ma túy và những quan chức tha hóa, bao che hoặc tiếp tay cho chúng.
Ông Andres Obrador cũng đưa ra một số giải pháp nhằm tiêu diệt tận gốc tội phạm ma túy. Trước hết, Chính phủ Mexico sẽ rút quân đội ra khỏi đường phố và thay thế bằng lực lượng cảnh sát được đào tạo tốt hơn, được trả lương cao, hoạt động chuyên nghiệp hơn. Đồng thời các nhà lập pháp Mexico sẽ tiến hành sửa đổi các điều luật cấm sản xuất, buôn bán và sử dụng chất ma túy. Chính phủ Mexico còn dành sự quan tâm hơn cho các nạn nhân trong cuộc chiến ma túy thông qua việc bồi thường và trợ cấp. Tổng thống Andres Obrador cũng đặt mục tiêu xa hơn là tăng cường các chương trình xã hội, giáo dục và phát triển kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm ở các vùng nghèo, hạn chế việc giới trẻ bị lôi kéo vào các hoạt động tội phạm và bạo lực trong tương lai.
Theo VŨ ANH (TỔNG HỢP)
Theo nhandan.com.vn