Mới chỉ đầu năm 2019, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam đã bước vào mùa nắng nóng trên diện rộng. Các loại bệnh truyền nhiễm như: Tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết, đang bùng phát với tốc độ lây lan cao, diễn biến phức tạp.
Giáo dục ý thức tự vệ sinh phòng bệnh cho trẻ là cần thiết để phòng dịch bệnh.
Tăng cao gấp nhiều lần
Ghi nhận tại Khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh), trẻ lại nhập viện tăng vì biến chứng do sởi. Hiện có gần 30 trẻ bị sởi đang điều trị, trong đó nhiều trẻ bị nặng, biến chứng viêm phổi, tiêu chảy... Trong dịp Tết, Khoa đã tiếp nhận từ 15-20 ca sởi/ngày, cho thấy còn nhiều người mắc sởi trong cộng đồng và việc tuyên truyền chích ngừa chưa đạt hiệu quả.
Còn tại Khoa Nhiễm D (BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh), rất nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết phải kê giường nằm ngoài hành lang. Cùng với bệnh sốt xuất huyết, những ngày trước, trong và sau Tết, TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận hơn 1.000 trẻ em mắc bệnh sởi. Nhiều bệnh nhân chủ quan không nhập viện sớm, khi vào viện đã có dấu hiệu chuyển nặng. Tính riêng tại Khoa Nhiễm D, mỗi ngày tiếp nhận trung bình 50 - 60 bệnh nhân. So cùng kỳ năm 2018, số bệnh nhân khoa này tiếp nhận chỉ ở mức 10 - 20. Theo số liệu từ Phòng Kế hoạch - Tổng hợp của BV, nếu như trong tháng 1-2018 BV chỉ tiếp nhận điều trị cho 600 ca bệnh sốt xuất huyết thì trong tháng đầu năm nay, số bệnh nhân nhập viện hơn 1.600 ca.
Vừa cho con nhập viện được ba ngày, chị Đàm Thị Lý (ngụ ở thành phố mới Bình Dương) cho biết, trước đó, cháu có biểu hiện quấy khóc, sốt nhẹ và sau đó bị mụn nước, chấm đỏ ở quanh miệng, lòng bàn tay, bàn chân. “Nghi ngờ bị bệnh tay chân miệng, rạng sáng hôm sau, gia đình tôi đưa thẳng lên BV Nhi Đồng 1, may sao cháu đang ở thể nhẹ”, chị Lý cho hay. Bệnh nhân Nguyễn Ngọc Tâm (47 tuổi, quê Đác Nông) cho biết, từ ngày 9-2, anh bắt đầu có biểu hiện sốt, tay chân rã rời. Nghĩ mình bị cảm do thời tiết thay đổi thất thường nên anh chỉ ở nhà tự điều trị. Mãi đến khi thấy càng mệt mỏi thêm mới được gia đình đưa đi khám và bác sĩ xác định sốt xuất huyết, phải nhập viện điều trị. Chị Tống Kim Mi (ngụ quận 2, TP Hồ Chí Minh) cho hay, cách đây năm ngày thấy con đi học về có biểu hiện sốt, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn…, gia đình cho cháu đến BV quận Tân Bình thử máu, phát hiện bị sốt xuất huyết. “Hơn ba ngày qua, cứ sáng sớm nhà tôi lại đưa con đến viện để thử máu kiểm tra và theo dõi. Hiện sức khỏe cháu đã ổn định, may sao phát hiện bệnh sớm nên không phải nhập viện điều trị dài ngày”, chị Mi chia sẻ.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (BV Nhi Đồng 1), hiện BV đã bố trí các phòng cách ly đối với các bệnh tay chân miệng và sởi. Khoa Nhiễm - Thần kinh cũng tăng thêm giường để đáp ứng nhu cầu tốt nhất cho bệnh nhi. Bác sĩ Khanh cũng cảnh báo, những ca sởi ra vào BV tăng ngay từ đầu năm chứng tỏ ngoài cộng đồng còn nhiều. Ngành Y tế đã tuyên truyền về chủng ngừa nhưng còn một số người lơ là, không chịu cho con em chích ngừa. Tỷ lệ tiêm chủng tại cộng đồng chưa cao là lý do khiến cho các BV luôn quá tải các bệnh nhi mắc sởi. Điều này đã được các bác sĩ chuyên ngành không ngừng lên tiếng cảnh báo ngay từ thời điểm những tháng cuối năm 2018 khi các ca sởi bỗng dưng tăng đột biến lại.
BSCKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D (BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh) cho biết, thông thường sau Tết là chu kỳ đi xuống của bệnh sốt xuất huyết nhưng hiện tại, số ca mắc tại khoa vẫn luôn ở mức cao. Tại BV Bệnh Nhiệt đới có hai khoa tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết người lớn là Khoa Nhiễm C và Nhiễm D. Riêng khoa Nhiễm D mỗi ngày tiếp nhận trung bình 50 bệnh nhân khiến khoa luôn trong tình trạng quá tải.
Theo số liệu từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thời gian qua tổng số ca bệnh tay chân miệng trên địa bàn cũng tăng cao. Trong tuần thứ bảy (từ ngày 8 đến 14-2) đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố có 313 ca mắc bệnh tay chân miệng nhập viện điều trị, so thời điểm cùng kỳ năm 2018 tăng hơn 50% số ca bệnh. Về tình hình bệnh sởi, cũng trong tuần thứ 7 này, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 83 trường hợp mắc sởi, có tới 926 nhập viện tích lũy đến tuần thứ bảy này, tăng gần 924 ca so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 74 ca có xét nghiệm xác định trong tổng số 118 ca có lấy mẫu xét nghiệm.
Nhiều bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh trở nên quá tải khi mùa bệnh truyền nhiễm đang tăng cao. Ảnh: KIÊN HÀ
Tốt nhất là phòng, chống dịch bệnh
Theo PGS, TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP Hồ Chí Minh, cần tăng cường tiêm phòng cho các đối tượng ngoài độ tuổi tiêm chủng; chủ động tiêm phòng cho cán bộ y tế, nhất là những nơi tiếp nhận bệnh nhân để tạo hàng rào phòng dịch.
BSCKII Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo, điều nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết là bệnh chỉ trở nặng sau khi bệnh nhân đã hết sốt, thường là ngày thứ ba sau khi phát bệnh, lúc đó mới xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như giảm tiểu cầu, suy gan, suy thận… Vì vậy, điều quan trọng là phải chẩn đoán sớm, đúng bệnh để có biện pháp theo dõi và điều trị kịp thời. Hiện nay đã có test kháng nguyên để phát hiện sốt xuất huyết ngay từ những ngày đầu mắc bệnh.
Để chủ động phòng, chống các bệnh dịch thời gian tới, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh) cho hay, cần vận động toàn dân rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà-phòng để bảo vệ bản thân, trẻ em, gia đình và cộng đồng trước nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiếp xúc đặc biệt là đối với bệnh tay chân miệng.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học nhằm bảo vệ sức khỏe học sinh và cộng đồng; đặc biệt là đối với tay chân miệng và sởi, hai bệnh rất dễ lây lan qua những tiếp xúc. Do đó khi có học sinh, cô giáo, nhân viên trường học mắc bệnh, bắt buộc tuân thủ các biện pháp vệ sinh khử khuẩn, cách ly người bệnh tại nhà theo quy định. Thực hiện vệ sinh khử khuẩn nơi sinh hoạt, đồ chơi của trẻ tại nhà, tại trường và tại các khu vui chơi công cộng nhằm giảm thiểu sự hiện diện của mầm bệnh tay chân miệng trong môi trường.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho tất cả trẻ em theo lịch tiêm chủng quốc gia. Theo đó, trẻ phải được tiêm vaccine sởi (đơn giá) lúc chín tháng tuổi và vắc xin có thành phần của sởi lúc 18 tháng tuổi. Các gia đình có con dưới năm tuổi phải đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch; tự kiểm tra lại tiền sử tiêm vaccine sởi của trẻ và liên hệ trạm y tế phường xã gần nhất để được tư vấn tiêm chủng phòng bệnh sởi cho trẻ. Trường hợp trẻ chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh sởi theo quy định sẽ được tư vấn tiêm bổ sung. Phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, tiếp tục duy trì các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết, tập trung kiểm soát điểm nguy cơ, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch lây lan, kéo dài.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ, các tỉnh miền nam đang trong giai đoạn nắng nóng với nhiệt độ lúc cao nhất trong ngày 35 đến 36 độ C. Nền nhiệt độ cao, bức xạ tia cực tím ở mức nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng có thể còn kéo dài trong thời gian tới khi thời tiết đi sâu vào mùa khô. Thời tiết nắng nóng sẽ gia tăng nhiều loại bệnh như hô hấp, tiêu hóa ở nhóm trẻ em và người lớn tuổi. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, loại bệnh khá phổ biến sẽ gia tăng nhanh trong cộng đồng giai đoạn chuyển mùa là sốt siêu vi. Do đó, người dân cần hạn chế ra đường nếu không cần thiết. Trường hợp bắt buộc phải đi lại, người dân cần chú ý mang nón, khẩu trang, mặc quần áo dài tay để che tránh nắng.
24/24 quận, huyện của thành phố đều có ca sởi, nhiều nhất tại quận 7, 8, Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức. Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, mùa dịch bệnh sốt xuất huyết hằng năm thường kéo dài gần 40 tuần, từ tuần thứ 25 của năm trước (khoảng đầu tháng 8) đến tuần thứ 10 của năm sau (khoảng cuối tháng 3). Riêng trên địa bàn thành phố, trong tuần thứ bảy của năm 2019, đã có 713 ca sốt xuất huyết và có 6.733 ca nhập viện tích lũy đến tuần thứ 7 này, tăng gần 250% so cùng thời điểm năm ngoái. Thậm chí thành phố đã ghi nhận hai trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Theo CHÍ KIÊN, HÀ NGUYỄN
nhandan.com.vn