Cập nhật: 02/03/2019 11:03:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thực hiện các mục tiêu của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020, những năm qua, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM, Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã và đang đẩy mạnh các hoạt động gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo, coi nghiên cứu là nhiệm vụ quan trọng trong các trường đại học, góp phần nâng cao vị thế của toán học Việt Nam trên trường quốc tế.

“Ngày hội Toán học mở” năm 2018 tại Hà Nội.

Phó Giáo sư Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cho biết: Với hình thức hợp đồng nghiên cứu từ hai tháng đến một năm, mỗi năm, viện tuyển chọn từ 80 đến hơn 90 nghiên cứu viên, trong đó có từ 20 đến 40 người thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc),…

Một số nhà toán học Việt Nam đang công tác ở các trường đại học nước ngoài đến làm việc tại viện. Hằng năm, VIASM tổ chức khoảng 20 nhóm nghiên cứu với sự phối hợp giữa các chuyên gia nước ngoài và các nhà nghiên cứu trong nước. Các nhóm nghiên cứu tập trung vào các lĩnh vực thời sự của toán học hiện đại như: Đại số giao hoán, giải tích số, tối ưu, giải tích phức và hình học phức, xác suất thống kê, mật mã và an toàn thông tin, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo…

Trưởng các nhóm nghiên cứu toán lý thuyết hay ứng dụng là các chuyên gia lâu năm như: GS Nguyễn Tự Cường, GS Ngô Việt Trung, GS Phùng Hồ Hải (Viện Toán học), GS Đinh Dũng (Đại học Quốc gia Hà Nội), GS Phan Quốc Khánh (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh)… Các nhóm nghiên cứu được quyền tự chọn và đề xuất các chuyên gia trong nước và nước ngoài đến bổ trợ kiến thức. Qua đó, hằng năm, có khoảng từ 40 đến 50 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI, có sự hỗ trợ toàn phần hoặc một phần kinh phí của VIASM. 5 năm trở lại đây, Việt Nam luôn ở tốp đầu về công bố quốc tế của toán học khu vực ASEAN, trong đó có đóng góp của VIASM.

Ngoài việc giảng dạy, các nhà khoa học còn là cầu nối trong việc tổ chức các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế. Năm 2018, viện đã tổ chức 14 hội nghị, hội thảo chuyên đề; đáng chú ý là Hội nghị toán học toàn quốc lần thứ chín đã thu hút khoảng 800 nhà nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng toán học trong cả nước tham dự. Đây là hoạt động khoa học lớn nhất của cộng đồng toán học Việt Nam, là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng toán học trình bày những kết quả nghiên cứu của mình trong 5 năm gần đây và trao đổi, thảo luận những vấn đề thời sự cấp thiết trong sự nghiệp phát triển toán học của đất nước. Các hội nghị, hội thảo gắn với chủ đề của các nhóm chuyên môn đang làm việc tại viện, góp phần nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu, định hướng gợi mở cho các nhà khoa học trẻ những vấn đề cần quan tâm trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Để tạo nguồn nhân lực ngành toán học, VIASM có các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng lớp trẻ. Chẳng hạn mô hình trường hè hằng năm, diễn ra trong một tuần (cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7) được tổ chức ở ba miền bắc, trung, nam. Đối tượng là giáo viên và học sinh chuyên toán thuộc các trường chuyên trong cả nước, giảng viên là các giáo sư, tiến sĩ thuộc các quốc gia có nền toán học phát triển như Pháp, Nhật Bản, Hà Lan…

Nhiều khóa học ngắn hạn từ bốn đến mười ngày cũng thường xuyên được viện tổ chức. Các chủ đề đưa ra trao đổi, thảo luận giữa thầy và trò gắn với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: thống kê ứng dụng, trí tuệ nhân tạo trong khoa học dữ liệu...

“Ngày hội toán học mở” được tổ chức hằng năm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhằm tiếp thu kiến thức từ các bài giảng đại chúng của các chuyên gia trong nước và quốc tế, đồng thời kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo trong toán học của học sinh thông qua các mô hình toán từ công nghệ in 3D, câu lạc bộ STEM. Ngoài ra, VIASM khơi dậy và khích lệ phong trào học toán cũng như hoạt động nghiên cứu toán học thông qua việc cấp học bổng cho hơn 150 sinh viên ngành toán trong cả nước có thành tích học tập giỏi, xuất sắc. Hằng năm, lựa chọn từ 80 đến 90 công trình toán học tiêu biểu (phần lớn của cán bộ nghiên cứu trẻ) trong các trường, viện nghiên cứu để trao thưởng…

“Hiện nay, viện đang thiết kế Đề án cho chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2040. Trong đó, nhấn mạnh mục tiêu, định hướng phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm toán học hàng đầu khu vực và có vị trí xứng đáng của toán học thế giới. Cùng với quan tâm phát triển toán lý thuyết, cần đẩy mạnh ứng dụng toán học nhằm phát triển các ngành kinh tế - xã hội trong bối cảnh chuyển biến mau lẹ của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”, PGS Lê Minh Hà chia sẻ thêm.

BÀI VÀ ẢNH: LINH TRANG

Theo nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm