Cập nhật: 14/03/2019 11:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc sắp xếp, tổ chức và quản lý hiệu quả trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX).

Giờ học thực hành của học viên Trung tâm GDTX Đô Lương (Nghệ An)

Theo Bộ GD-ĐT, Luật Giáo dục hiện hành quy định: “Hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và GDTX” và “mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một trung tâm GDTX cấp tỉnh; mỗi huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có một trung tâm GDTX cấp huyện”. Trung tâm GDTX có chức năng bảo đảm cơ hội được tiếp tục học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, kỹ năng mới đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; là đầu mối bồi dưỡng giáo viên, thay sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục…

Cũng theo Bộ GD-ĐT Nghị quyết 19/NQ-T.Ư của Ban chấp hành TƯ Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đề ra chủ trương: Sáp nhập trung tâm GDTX, giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn cấp huyện. Việc sáp nhập đã được liên bộ: Lao động Thương binh - Xã hội; GD-ĐT; Nội vụ hướng dẫn thành lập Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- GDTX.

Vì vậy, Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện đúng các nghị quyết của Ban chấp hành TƯ, các quy định của pháp luật, không sáp nhập trung tâm GDTX cấp tỉnh, cấp huyện với trường trung cấp hoặc cao đẳng. Các địa phương cần có lộ trình phù hợp để xem xét phương án giao quyền tự chủ cho các trung tâm GDTX theo quy định Nghị định 16/2015/NĐ-CP…

Theo MẠNH XUÂN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm