Hai nữ họa sĩ ở hai thế hệ, một theo phong cách hiện thực - một theo phong cách trừu tượng, một dùng đường nét - một dùng hình khối, nhưng vẫn gặp nhau trong miền cảm hứng phố để “Đối thoại thường ngày” qua những câu chuyện nghệ thuật ấm áp, dung dị.
Họa sĩ Vũ Kim Thư thực hiện tác phẩm.
Đối thoại bằng nghệ thuật
Đến triển lãm “Đối thoại thường ngày” tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội những ngày này, ai nấy đều ấm lòng và rung động khi không gian nhỏ xinh nơi đây bỗng trở nên lung linh hơn với những tác phẩm nghệ thuật độc đáo của hai nữ họa sĩ Vũ Kim Thư và Lê Kim Mỹ. Hai bên cửa sổ chính và khu vực giữa sảnh trung tâm là nơi Kim Thư chọn trưng bày ba cụm tác phẩm sắp đặt của mình. Ấy là những cụm điêu khắc tròn có hình dáng như đèn lồng gồm lớp trong và lớp ngoài. Soi qua những lỗ tròn thủng phía trên, dưới hiệu ứng ánh sáng, người ta có thể nhìn thấy một Hà Nội về đêm được vẽ như những tấm bản đồ. Ở đó là những nếp nhà bình dị, những con phố lặng yên nằm nép mình dưới ánh đèn đường ấm cúng… Cụm tác phẩm gây hiệu ứng thị giác mạnh mẽ khi được tạo hình sống động dựa trên sự kết hợp độc đáo giữa chất liệu giấy truyền thống washi Nhật Bản với giấy dó Việt Nam và xuyến chỉ Trung Quốc. Nữ họa sĩ sinh năm 1976 tỏ ra rất tinh tế khi sử dụng hai gam mầu chủ đạo đen và vàng. Nhờ thế, sắc ngà vốn có của giấy dó càng được bắt sáng, những con phố về đêm trong hoài niệm của chị cũng vì thế càng lung linh, huyền ảo hơn… Trong khi Kim Thư điêu khắc giấy để thể hiện những giấc mơ phố thì họa sĩ Lê Kim Mỹ lại chọn đối thoại với phố bằng những nét vẽ thuần tịnh trên lụa. Đến khai mạc triển lãm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi phần lớn khách tham dự đều ở tuổi trung niên. Có lẽ bởi 27 bức tranh lụa mới nhất được họa sĩ Lê Kim Mỹ thực hiện trong ba tháng gần đây đã chạm được đến tâm hồn, trái tim của những người vốn có nhiều ký ức khắc khoải với Hà Nội. Cảnh vật, con người được bà đặc tả trong tranh, dù là một nhành cây khẳng khiu trong sương sớm, một góc phố Hà Nội tĩnh lặng ngày Tết, chiếc nón lá thấp thoáng trong phiên chợ, nếp nhà nhấp nhô trên phố Lương Văn Can, hay quán bia hơi, quán mỳ tấp nập trên phố Hàng Chiếu… đều cho thấy sự tinh tế, nắn nót và dịu dàng của người vẽ. Ấy là những hình ảnh thân thuộc, giản dị mang hơi thở đời sống thường nhật nhưng qua nét vẽ của họa sĩ Lê Kim Mỹ bỗng trở nên rất đỗi đáng yêu, dịu dàng mà đầy sức lay động, gợi nhớ.
Gặp gỡ hai phong cách, hai cá tính nghệ thuật hoàn toàn khác biệt trong cùng một triển lãm, những tưởng sẽ tạo ra sự đối nghịch nhưng thật kỳ lạ, hai phương thức biểu đạt đã kết hợp rất “duyên”. Những chiếc đèn lồng được tạo khối một cách có chủ ý của Vũ Kim Thư như sự soi chiếu các bức tranh lụa của họa sĩ Lê Kim Mỹ, để rồi từ đó đưa người xem bước vào thế giới nhỏ bé nhưng đầy mầu nhiệm của hai nghệ sĩ tài năng. Ở đó, họ kể chung những câu chuyện đời thường mang tên phố. Tham quan triển lãm, họa sĩ, NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dừng lại khá lâu trước mỗi tác phẩm. Với ông, triển lãm mang đến nhiều xúc cảm thú vị khi thể hiện được sự đối thoại nghệ thuật giữa hai thế hệ. “Tác phẩm của Kim Thư gần với điêu khắc, tạo khối nhưng nhờ sáng tạo trên chất liệu giấy nên không tạo cảm giác nặng nề mà nhẹ nhàng, nữ tính, vô cùng hài hòa với những bức tranh mềm mại của họa sĩ Lê Kim Mỹ. Ngược lại, sử dụng lụa là chất liệu truyền thống nhưng tác phẩm của họa sĩ Lê Kim Mỹ không hề nệ cổ mà vẫn truyền tải những thông điệp hiện đại, tương tác được với cảm xúc người xem nên bắt nhập khá nhịp nhàng với góc nhìn của Vũ Kim Thư. Hơn nữa, khi vẽ lụa, người ta thường hay bồi vào giấy nhưng họa sĩ Kim Mỹ lại để nguyên. Điều này thách thức người nghệ sĩ trong lúc vẽ phải cẩn trọng, nắn nót, nhưng bù lại tranh đạt được độ trong tối đa” - NSND Vương Duy Biên nhận xét. Còn với chúng tôi, lý do thuyết phục nhất cho sự kết nối ấy có lẽ bởi hai nữ nghệ sĩ đồng thời là mẹ con, nên họ vốn dĩ có những đồng điệu trong tâm hồn. “Tôi và mẹ có nhiều kỷ niệm nơi những con phố Hà Nội. Với tôi, triển lãm này là cái nhìn Hà Nội dưới góc nhìn của mẹ” - họa sĩ Vũ Kim Thư tâm sự. Là những người hoạt động nghệ thuật lâu năm nhưng đây mới là lần đầu tiên hai mẹ con nghệ sĩ quyết định gặp nhau trong cùng một triển lãm. Có lẽ bởi thế mà những tác phẩm trong “Đối thoại thường ngày” càng ắp đầy xúc cảm và sự gắn kết.
Sự tiếp nối thế hệ trong nghệ thuật
Người ta hay gọi Vũ Kim Thư là nữ họa sĩ của những cuộc chu du. Bởi so với các họa sĩ cùng thế hệ, chị là một trong những người có nhiều cơ duyên để đi tới nhiều vùng đất trên thế giới. Và những trải nghiệm quý giá ở các không gian nghệ thuật khác nhau đã tác động không nhỏ trong phong cách sáng tác của chị. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1999 và hoàn thành chương trình sau đại học tại Viện Nghệ thuật Chi-ca-gô (Mỹ) năm 2003, Vũ Kim Thư là cái tên gắn với nhiều triển lãm cá nhân, dự án nghệ thuật ở nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Hàn Quốc, Thái-lan, Ấn Độ, Nhật Bản… Nữ nghệ sĩ cũng từng tham gia nhiều trại sáng tác quốc tế danh tiếng ở Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, I-ta-li-a… Nhưng phải tới trại sáng tác ở Mi-nô (Nhật Bản), nơi có lịch sử hơn 1.300 năm trong nghề làm giấy washi, Kim Thư mới thật sự tìm thấy cảm hứng mạnh mẽ từ chất liệu giấy truyền thống của “đất nước mặt trời mọc” để theo đuổi đam mê nghệ thuật với phố, đèn và giấy. Chị cho biết, washi là loại giấy sản xuất bằng tay được làm từ sợi cây dâu tằm, chủ yếu dùng để viết sách, văn thư hay dán lên cửa trượt trong những căn nhà truyền thống của người Nhật Bản. Chị nhanh chóng nhận thấy giữa loại giấy này và giấy dó Việt Nam có nhiều điểm chung, nhất là khả năng truyền tải ánh sáng. Và rồi những ý tưởng nghệ thuật bắt đầu thành hình… “Giấy washi Nhật Bản có độ trong nên phản chiếu ánh đèn rất đẹp, trong khi giấy dó của Việt Nam lại có thêm những sợi xơ giúp lớp vỏ đèn bắt sáng độc đáo, và giấy xuyến chỉ của Trung Quốc có độ nhòe khi vẽ nét bằng mực Nho nên chúng kết hợp khá ăn ý với nhau” - họa sĩ Kim Thư chia sẻ. Đúng như cảm nhận của nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật Việt Nam: Tác phẩm của Vũ Kim Thư là sự sắp đặt hình khối nhưng không phải bằng những chất liệu quen thuộc như đá, đồng hay gỗ, mà từ giấy cho nên nhẹ nhàng, uyển chuyển và mềm mại, đến nỗi người ta có cảm giác nếu không cẩn trọng có thể làm vỡ. Đây là sự tìm tòi, thể nghiệm đáng ghi nhận để làm phong phú hơn chất liệu ngôn ngữ của mỹ thuật đương đại.
Nếu Vũ Kim Thư hình dung phố từ những chấm nhỏ thì mẹ của chị - họa sĩ Lê Kim Mỹ lại để phố chảy tràn vào tranh mình từ những gì tự nhiên nhất vốn dĩ thuộc về phố. Là giảng viên mỹ thuật đã có hơn 30 năm liên tục làm công tác giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, bà ghi dấu trong lòng người yêu tranh và nhiều thế hệ học trò bằng những tác phẩm hội họa thực hiện trên chất liệu sơn mài và lụa. Câu chuyện của bà xuất hiện nơi góc phố, dưới vòm cây hay sau ô cửa sổ…, từng hơi thở, sự việc tưởng chừng vụn vặt nhất của cuộc sống cũng được kết dệt xinh xắn và ấm áp qua lăng kính nghệ thuật. Chia sẻ về những “đứa con tinh thần” của mình, họa sĩ Lê Kim Mỹ khá kiệm lời. Nhưng chẳng cần diễn giải nhiều thì những tác phẩm của bà cũng đủ sức níu mắt người xem, khơi dậy nơi họ những xúc cảm mới mẻ từ những điều bình dị nhất. Nói như họa sĩ Vũ Bạch Liên, phải là người có tâm hồn tinh tế và thiết tha yêu cuộc sống, yêu Hà Nội mới có thể tạo nên những bức tranh như thế. Tranh của bà là tranh của người phụ nữ đã lớn tuổi, dù mang chút hoài cổ, đượm màu xưa cũ nhưng không toát lên cảm giác buồn bã, mệt mỏi mà vẫn rung rinh tươi mới, đầy tình yêu và niềm hy vọng, mang lại những xúc cảm tích cực cho người xem.
Họa sĩ Lê Kim Mỹ là người kế thừa và chịu ảnh hưởng nhiều từ cha mình là danh họa Lê Quốc Lộc - một trong những họa sĩ vẽ sơn mài đặc sắc của thế kỷ 20. Nhưng tới Vũ Kim Thư, chị lại mang theo gen nghệ thuật để chọn cho mình hướng đi hoàn toàn khác mẹ. Dù vậy, tác phẩm của chị vẫn luôn là sự kết hợp giữa hiện đại và truyền thống. Cuộc hội ngộ nghệ thuật giữa hai mẹ con nữ họa sĩ cũng là cuộc gặp gỡ, tiếp nối nghệ thuật giữa hai thế hệ mà theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam: Ấy là sự thay đổi thế hệ đang đến rất gần của mỹ thuật đương đại Việt Nam và là sự chuyển giao tất yếu. Thế hệ 7X, 8X, 9X đang áp sát dòng chảy năng động của cuộc sống hiện đại với nhiều sáng tạo, thể nghiệm mới, không còn nhiều độ “tĩnh” như cách thể hiện của thế hệ họa sĩ Lê Kim Mỹ thường sống nhiều hơn về ký ức. Thế hệ những nghệ sĩ trẻ đã dám bày tỏ quan điểm riêng về nghệ thuật, ý thức xã hội về nghệ thuật nhưng vẫn trên cơ sở trân trọng giá trị cổ truyền. Điều này cho thấy nếp nhà của người Việt mà tổ tiên để lại lúc nào cũng đủ rộng để dù sự thay đổi xảy ra vẫn giữ được những gì thuộc về truyền thống. Mỹ thuật đương đại Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi dù không mang tính đột phá nhưng vẫn lặng lẽ vận động, bắt nguồn từ nguồn cội để tâm tình với công chúng hiện đại.
Theo TRANG ANH/nhandan.com.vn