Cập nhật: 20/03/2019 15:19:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

PGS.TS.BS Phạm Ngọc Minh, Trưởng bộ môn Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội cho biết, sán dây lợn có khả năng gây 2 loại bệnh ở người, đó là bệnh sán dây lợn trưởng thành và bệnh ấu trùng sán lợn.

PGS.TS.BS Phạm Ngọc Minh nhận định, ở thời điểm này, khả năng phát hiện trẻ mắc bệnh sán dây trưởng thành và bệnh ấu trùng sán lợn rất thấp.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS.BS Phạm Ngọc Minh, Trưởng bộ môn Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội, Phụ trách Khoa vi sinh - ký sinh trùng của bệnh viện Đại học Y cho biết, trong 4 ngày gần đây, mỗi ngày Khoa vi sinh - ký sinh trùng của bệnh viện Đại học Y có tiếp nhận khoảng 60 trẻ nhỏ tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đến khám và xét nghiệm sán lợn. Đây là những trẻ sinh sống và theo học tại các trường mầm non trên địa bàn tỉnh. Tất cả các cháu xét nghiệm tại đây đều có kết quả âm tính với sán dây lợn.

PGS.TS.BS Phạm Ngọc Minh cho biết, sán dây lợn có khả năng gây 2 loại bệnh ở người, đó là bệnh sán dây lợn trưởng thành và bệnh ấu trùng sán lợn. Trong đó, bệnh sán dây trưởng thành ít nguy hiểm hơn bệnh ấu trùng sán lợn.

Đối với bệnh sán dây lợn trưởng thành, khi con người ăn phải ấu trùng có trong thịt lợn chưa được nấu chín (ăn phải lợn gạo) sẽ nhiễm sán trưởng thành. Tuy nhiên, thời gian để sán dây trưởng thành trong đường tiêu hóa của người bệnh phải mất 2-4 tháng thì mới có khả năng sản sinh bằng hình thức đứt ra các đốt già chứa trứng sán. Khi đó, xét nghiệm phân mới có khả năng phát hiện được. Vì vậy, trong trường hợp trẻ nhỏ ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh vừa ăn phải thức ăn không đảm bảo vệ sinh (thịt lợn gạo chưa nấu chín) trong thời gian ngắn thì xét nghiệm phân cũng sẽ chưa thấy được đốt sán hay trứng sán.

Do sán dây trưởng thành sống ký sinh trong đường tiêu hóa (sống ở ruột non) nên chiếm nhiều sinh chất của cơ thể (tức là lấy thức ăn trong cơ thể) khiến trẻ mắc bệnh rất dễ bị suy dinh dưỡng.

Còn đối với bệnh ấu trùng sán lợn, con người mắc bệnh này khi ăn phải trứng sán (chứ không phải thịt lợn gạo), trứng vào đường tiêu hóa và nở thành ấu trùng. Ấu trùng này vào máu và có thể đi khắp cơ thể và ký sinh ở các cơ quan như: não, các cơ vân và mắt… gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Với phân tích trên, PGS.TS.BS Phạm Ngọc Minh nhận định, ở thời điểm này, khả năng phát hiện trẻ mắc bệnh sán dây trưởng thành và bệnh ấu trùng sán lợn rất thấp. Vì nếu thức ăn được nấu chín, trẻ sẽ không có nguy cơ mắc bệnh sán dây trưởng thành, còn nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn do ăn phải trứng sán cũng rất ít có khả năng.

PGS.TS.BS Pham Ngọc Minh cho biết, tất cả bệnh nhân đến khám và có nhu cầu xét nghiệm bệnh sán lợn, đều được tư vấn về nguy cơ có thể mắc bệnh cũng như trường hợp nào thì cần xét nghiệm. Tuy nhiên, do các bậc phụ huynh đã “bỏ công bỏ việc” để đưa trẻ lên xét nghiệm và có mong muốn làm xét nghiệm cho trẻ để yên tâm hơn nên bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã đáp ứng nhu cầu. Và hầu hết các mẫu xét nghiệm trong 4 ngày gần đây của các trẻ ở Thuận Thành, Bắc Ninh đến xét nghiệm tại bệnh viện Đại học Y đều có kết quả âm tính.

PGS.TS.BS Phạm Ngọc Minh cũng khuyến cáo, với những trẻ chưa xét nghiệm, cha mẹ không nên hoang mang và cần theo dõi các biểu hiện của con. Nếu thấy trẻ có biểu hiện đau bụng, đầy bụng, khó tiêu, cơ thể gầy, đi ngoài phân có đốt thì cần đưa trẻ đi khám và xét nghiệm tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Ký sinh trùng để được tư vấn và điều trị.

Theo Thúy Hà/Chinhphu.vn

 

 

Tệp đính kèm