Cập nhật: 01/04/2019 10:39:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngành du lịch mỗi quốc gia được cấu thành bởi ba hoạt động: Inbound (đưa khách quốc tế đến), outbound (đưa khách trong nước ra nước ngoài) và du lịch nội địa. Hầu hết các nước có nền du lịch phát triển đều có sự tăng trưởng đồng bộ cả ba loại hình.

Ở Việt Nam thời gian qua, nhất là ba năm gần đây, du lịch inbound đã có sự phát triển mạnh mẽ với lượng khách quốc tế tăng 96% (từ hơn 7,9 triệu lượt năm 2015 lên 15,6 triệu lượt năm 2018); lượng khách nội địa tăng gần 1,5 lần (từ 57 triệu lượt năm 2015 lên 80 triệu lượt năm 2018). Cùng với đó, lượng người Việt Nam đi du lịch nước ngoài cũng tăng trưởng liên tục ở mức 10 đến 12%/năm. Năm 2016, con số này mới là khoảng 6,6 triệu lượt; đến năm 2018 đã là khoảng hơn 10 triệu lượt. Không chỉ thị trường Đông - Nam Á, du khách Việt Nam còn mở dần diện quan tâm đến những thị trường Đông Á, châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông. Điều này cho thấy, mức sống của người dân ngày càng được nâng cao thì nhu cầu du lịch outbound càng lớn. Từ đó, hoạt động đưa khách Việt Nam đi du lịch quốc tế dần trở thành một trụ cột phát triển của ngành du lịch nước nhà.

Tuy nhiên, thời gian qua, so với inbound và nội địa, du lịch outbound ở nước ta dường như chưa được quan tâm đúng mức. Bằng chứng là trong các chỉ tiêu đánh giá phát triển du lịch, mới chỉ đề cập số lượng khách quốc tế đến Việt Nam và lượng khách nội địa, tổng thu từ du lịch cũng dựa chủ yếu trên những chỉ tiêu này mà chưa tính đến đóng góp từ hoạt động đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Trong khi đó, theo các chuyên gia, bên cạnh lợi ích giúp du khách Việt khám phá thế giới, tăng cường giao lưu văn hóa, củng cố tình đoàn kết hữu nghị, mở rộng cơ hội đầu tư thương mại, thúc đẩy trao đổi khách để từ đó kích cầu cho hoạt động inbound...; du lịch outbound còn mang đến những giá trị kinh tế trực tiếp.

Mới đây, tại Diễn đàn "Du lịch outbound Việt Nam - Cơ hội và thách thức" do Ban Kinh tế T.Ư phối hợp Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội, nhiều đại biểu đã nhận định: Do chưa được đánh giá hết tiềm năng cho nên du lịch outbound ở Việt Nam chưa có cơ chế, chính sách quản lý rõ ràng, chặt chẽ và hiệu quả. Các văn bản chính thức hướng dẫn hoạt động này còn ít, chưa cập nhật đầy đủ các nội dung liên quan quản lý, tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, khách du lịch chưa có nhiều kênh để tra cứu, nhận diện những doanh nghiệp được phép kinh doanh du lịch outbound. Điều này dẫn đến một số bất cập cả trong công tác quản lý lẫn tổ chức thực hiện đưa người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động chung của ngành du lịch và hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Thời gian qua, một số công ty du lịch chưa có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế vẫn âm thầm hoạt động, dẫn đến quyền lợi của du khách không được bảo đảm. Nhiều đoàn khách không được mua bảo hiểm du lịch, đến khi xảy ra sự cố trên đất khách, đơn vị kinh doanh liền "đem con bỏ chợ". Ngoài ra, nhiều cá nhân lợi dụng con đường du lịch nước ngoài, tìm cách trốn ở lại để lao động bất hợp pháp...

Đã đến lúc du lịch outbound cần được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện cả về những đóng góp lẫn thách thức để có định hướng phát triển và cơ chế quản lý phù hợp, hiệu quả. Cơ quan quản lý du lịch cần đưa ra chính sách và hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức cho người Việt Nam du lịch nước ngoài, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng thành phần liên quan. Bên cạnh đó, để bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh và quyền lợi của du khách, cùng với việc đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động lữ hành quốc tế, cần có chế tài xử phạt mạnh, đủ sức răn đe đối với những trường hợp vi phạm. Về phía du khách, cũng cần tìm hiểu qua nhiều kênh để nâng cao ý thức khi du lịch nước ngoài, giữ gìn hình ảnh con người, văn hóa Việt Nam luôn đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.

 

 

Theo TRANG ANH/nhandan.com.vn

 

 

Tệp đính kèm