Vào khoảng tháng 1 đến tháng 4 dương lịch hàng năm, ở các buôn làng người Jarai tại Tây Nguyên rộn ràng tổ chức lễ Pơ Thi.
Đây được xem là một trong những lễ hội lớn nhất của người Jarai, quy tụ gần như đầy đủ những giá trị văn hóa đặc sắc nhất trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Sau 5 năm kể từ ngày tổ chức lễ tang chồng, chị Rơ Chăm Nâm, làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai làm Lễ Pơ Thi để tiễn đưa linh hồn người đã khuất về với thế giới của Yàng.
Lễ Pơ Thi luôn được chuẩn bị chu đáo.
Lễ diễn ra trong 2 ngày nhưng công tác chuẩn bị thì cách đó cả tháng. Dưới tán những cây Vông Đồng cổ thụ hơn trăm tuổi, khi trời còn chưa sáng, bà con dân làng đem trâu, bò ra hiến sinh. Cùng lúc ấy, những nhịp cồng chiêng nổi lên.
Người già, nhiều kinh nghiệm sẽ cầm chiêng to, người trẻ, ít kinh nghiệm thì cầm chiêng bé, theo nhịp mà đánh, hợp nhất thành điệu, thành bài. Âm trầm, âm cao, âm vang tới những vách núi xa xa, tới tận cổng trời, đánh động tới cõi của Yàng.
Chị Rơ Chăm Nâm cho biết, đây là phong tục văn hóa lâu đời của bà con địa phương trong vùng và chị thấy vui khi làm được điều ý nghĩa cho người chồng đã khuất.
Rặng vông đồng cổ thụ ở khu nghĩa địa làng Kép.
“Chồng tôi mất đã được 5 năm rồi, năm nay tôi cùng dân làng làm lễ Pơ thi cho chồng. Đây là phong tục của người Jarai chúng tôi. Tôi buồn là từ nay không được hàng ngày mang cơm ra mộ nữa, nhưng cũng vui là để cho linh hồn chồng tôi được về với thế giới của Yàng.”, chị Rơ Chăm Nâm chia sẻ.
Pơ Thi là lễ hội lớn nhất của các buôn làng người Jarai. Tại lễ hội, tất cả bà con dân làng cùng góp công, góp của để tạo nên một lễ hội thực sự với các hoạt động văn hóa đặc sắc như diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, tạc tượng nhà mồ, dựng nhà mồ.
Xuyên suốt lễ hội, những ghè rượu cần cứ vơi lại đầy, tiếng cồng chiêng thâu đêm suốt sáng, những vòng xoang nối dài, chân dậm đều, tay cầm tay, đều thành một nhịp, chậm rãi từng bước và luôn di chuyển ngược chiều kim đồng hồ. Người tỉnh-người say, người thức- người ngủ, người sống- người chết đã không còn ranh giới trong Lễ Pơ Thi.
Già làng Rơ Châm Đo, làng Pleikep Ping, xã Ia Mnông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, cho biết, qua nhiều thế hệ, Lễ Pơ Thi vẫn được bà con nơi đây duy trì bởi đó chính là linh hồn của văn hóa truyền thống người Jarai.
“Pơ thi là lễ hội lớn của người Jarai, có cồng chiêng, có tạc tượng, có múa xoang. Lễ hội này quan trọng lắm, là văn hóa truyền thống của bà con mình, không thể bỏ được. Bà con phải cố gắng duy trì Lễ Pơ Thi.”, Già làng Rơ Châm Đo nói.
Pơ thi là lễ hội lớn của người Jarai
cho một cuộc chia tay vĩnh quyết.
Cùng với các hoạt động văn hóa đặc sắc thì Lễ Pơ Thi chính là dịp thể hiện sự cố kết cộng đồng của người Jarai. Bà con dù ở buôn xa, làng gần khi nghe tin thì đều tìm cách về dự lễ hội.
Tại đây, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được thể hiện một cách tự nhiên nhất, rõ nét nhất mà khó có thể có một lễ hội nào làm được.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Vân, nguyên Giám đốc bảo tàng tỉnh Gia Lai, vấn đề bảo tồn nét văn hóa truyền thống của Lễ Pơ Thi là rất cần thiết, cần có sự quan tâm và hiểu biết đúng về bản chất của lễ hội: “Muốn những lễ hội này được bảo tồn thì rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành liên quan, của các đoàn thể và đặc biệt là của ngành văn hóa thể thao và du lịch. Tôi nói như thế không phải chỉ riêng ngành văn hóa mà làm được. Chúng ta phải vào cuộc trong việc vận động bà con như thế nào để giữ được những nét đẹp trong phong tục tập quán thế nhưng phải đảm bảo được sự tiết kiệm.”
Không đơn thuần chỉ là một cuộc chia ly giữa người sống và người đã khuất, Pơ Thi được xem là một Lễ hội văn hóa thực sự của người Jarai ở Tây Nguyên, nơi mà những nét văn hóa đặc sắc nhất được trình diễn. Lưu giữ được Pơ Thi chính là lưu giữ được không gian văn hóa truyền thống của người Jarai./.
Theo Công Bắc/VOV.VN