Sau 3 năm (2016-2018) triển khai, Chương trình mục tiêu y tế - dân số đã đạt được nhiều thành tựu như: Kiểm soát được các bệnh, dịch mới nổi, không có dịch lớn xảy ra.
Chiến dịch khám sàng lọc bệnh ung thư vú trên xe lưu động. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Năm 2018, toàn quốc có tới 165.000 người mới mắc bệnh ung thư (năm 2010 khoảng 126.000 người). Đến hết năm 2018, cả nước có 48 tỉnh, thành tham gia vào mạng lưới phòng chống ung thư.
Những năm qua, kiến thức của người dân về phòng, chống ung thư đã được nâng cao đáng kể so với trước khi thực hiện dự án, trên 90% người dân biết/nghe/nói đến bệnh ung thư. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân chưa biết về các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư.
Thông tin trên được đại diện Bộ Y tế đưa ra tại hội nghị sơ kết 3 năm (2016-2018) và Kế hoạch 2 năm (2019-2020) của Chương trình mục tiêu y tế-dân số giai đoạn 2016-2020 diễn ra ngày 11/4, tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới được xem là bản lề để công tác hoạch định chính sách của ngành y tế có những bước phát triển mới.
Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, trong thời gian qua, ngành y tế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhiều chương trình, dự án, đề án nhằm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, nâng cao tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ người dân. Đó là các đề án như: Đề án tăng cường y tế cơ sở trong tình hình mới (Đề án 2348), Chương trình Sức khỏe Việt Nam, Chương trình mục tiêu y tế- dân số...
Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân đã giảm qua các năm.
Sau 3 năm (2016-2018) triển khai, Chương trình mục tiêu y tế-dân số đã đạt được nhiều thành tựu như: Kiểm soát được các bệnh, dịch mới nổi, không có dịch lớn xảy ra; Tiếp tục giảm số mắc, số chết của nhiều bệnh dịch nguy hiểm; Bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ>95% cho trẻ em dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân đã giảm từ 17,5% năm 2010 xuống còn 15,3% năm 2013 và giảm xuống còn 13% năm 2018. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi đã giảm từ 29,3% năm 2010 xuống còn 25,9% năm 2013 và 23,3 năm 2018. Chú trọng phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, y tế học đường; hoàn thiện Hướng dẫn và triển khai thực hiện dự phòng, phát hiện sớm, quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng. Kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng ở mức dưới 0,3% và giảm số người nhiễm mới...
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, bên cạnh những thành tựu đó, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức mới về sức khỏe của người dân trong quá trình phát triển. Đó là sự già hóa dân số, các yếu tố về hành vi lối sống... đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm. Tỷ lệ quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng còn thấp.
Một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng vẫn còn ở mức cao, an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề bức xúc cần phải tập trung giải quyết, ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, trường học khó kiểm soát; Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong khi đó nguồn lực để thực hiện Chương trình này lại đang rất hạn chế và thiếu. Nguồn lực này chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước vì Quỹ bảo hiểm chỉ có khả năng chi trả cho khám, điều trị khi đã mắc bệnh và Chính quyền nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm tới các hoạt động này, đặc biệt chưa bố trí kinh phí địa phương để thực hiện Chương trình.
Vì vậy, Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2018 theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Thông báo số 404/TB-VPCP, cụ thể: Năm 2019-2020 vẫn sử dụng ngân sách nhà nước để mua thuốc phòng chống lao cho các bệnh nhân chưa có thẻ bảo hiểm y tế; Bộ Tài chính bố trí ngân sách bổ sung cho Chương trình để mua thuốc phòng chống lao năm 2019-2020 cho các bệnh nhân chưa có thẻ bảo hiểm y tế từ phần kinh phí tiết kiệm 10% của Chương trình (Bộ Tài chính chưa giao); Điều chỉnh một số chỉ tiêu theo phụ lục đính kèm.
Quốc hội cho phép điều chỉnh Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, đẩy nhanh tiến độ ban hành Luật Phòng chống tác hại rượu bia, theo hướng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe nhân dân, tăng chi cho Chương trình mục tiêu y tế-dân số.../.
Theo Thùy Giang (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/ca-nuoc-co-toi-165000-nguoi-moi-mac-benh-ung-thu-trong-nam-2018/563704.vnp