Cập nhật: 13/04/2019 11:14:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới với số người cao tuổi chiếm 11,9% trong tổng số dân số (2017). Cùng với đó, tỷ lệ sa sút trí tuệ ở người già cũng ngày một tăng cao, đặc biệt là bệnh Alzheimer đang tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.


Cứ ba giây, có một người mắc sa sút trí tuệ

Năm 2010, tổng số người trên 65 tuổi toàn cầu ước tính vào khoảng 8% dân số và ở Việt Nam là khoảng 5,73. Tỷ lệ này được dự đoán sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2050.

Cùng với tuổi thọ tăng cao, người già đối mặt với nhiều bệnh lý như tim, phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường… Trong đó, sa sút trí tuệ là một bệnh lý dường như chưa được nhận thức đúng đắn và quan tâm điều trị.

Theo TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, năm 2015, trên thế giới có gần 50 triệu người mắc sa sút trí tuệ, chiếm khoảng 5% tổng số người trên 60 tuổi. Ước tính cứ mỗi ba giây sẽ có thêm một người mắc sa sút trí tuệ và số người mắc bệnh này tăng lên gấp đôi sau mỗi 20 năm.

“Sa sút trí tuệ là hội chứng lâm sàng được gây ra bởi tổn thương não, với đặc trưng là các biểu hiện suy giảm các lĩnh vực nhận thức như trí nhớ, định hướng, chú ý, ngôn ngữ, tri giác, suy luận, phán đoán, điều hành, khả năng thực hiện các nhiệm vụ liên tục. Sa sút trí truệ có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau, trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer, chiếm 60-80% tổng số các bệnh nhân sa sút trí tuệ”, BS Phương cho hay.

Ngoài rối loạn các lĩnh vực và nhận thức, người bệnh sa sút trí tuệ có thể có nhiều triệu chứng rối loạn tâm lý – hành vi và suy giảm chức năng nặng nề tùy từng thể và từng giai đoạn của bệnh.

Sa sút trí tuệ là vấn đề sức khỏe cộng đồng

BS, TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, trong sa sút trí tuệ, một vấn đề chính là rối loạn định hướng về không gian (không biết đang ở đâu), thời gian (không biết ngày hay đêm); rối loạn định hướng bản thân; rối loạn môi trường sống làm ảnh hưởng ko chỉ người bệnh mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến cả gia đình và môi trường khác.

Chính vì vậy, việc quản lý, chăm sóc và điều trị người bệnh cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Các phương pháp điều trị không dùng thuốc, dùng thuốc và chăm sóc toàn diện có thể làm giảm các triệu chứng và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

BS Tuấn nhấn mạnh, chăm sóc và điều trị cho người sa sút trí tuệ không còn là vấn đề trong y khoa mà còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng. “Hiện nay, việc chăm sóc người bệnh alzeimer cũng còn là vấn đề mà ngành y tế đang phân vân nên để trong chuyên khoa lão khoa hay tâm thần”, BS Tuấn nói.

TS, BS Trần Thị Hà An, Trưởng Phòng Điều trị tâm thần người già (Viện sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, không phải tất cả người già đều phải đối mặt với bệnh sa sút trí tuệ và bệnh lý này có thể có rất sớm, ở người từ 50 tuổi.

“Sa sút trí tuệ không phải là bệnh có thể chữa khỏi mà chỉ điều trị giảm triệu chứng, do đó việc chăm sóc bảo đảm an toàn cho người bệnh và người chăm sóc rất quan trọng. Việt Nam đang dần hình thành câu lạc bộ dành cho người nhà bệnh nhân sa sút trí tuệ để hướng dẫn, chia sẻ cách chăm sóc người bệnh một cách tốt nhất”, BS An cho hay.

BS Hà An cũng cảnh báo, hiện nay nhiều người cao tuổi có thói quen sử dụng thuốc bổ não, nhưng trong điều trị các bệnh sa sút trí tuệ, đặc biệt là Alzheimer không có các loại thuốc bổ não. “Việt Nam có 3/4 thuốc lưu hành ở thế giới điều trị sa sút trí tuệ. Các loại thuốc mà không do bác sĩ chuyên khoa tâm thần điều trị kê đơn chỉ là thuốc hỗ trợ, bổ trợ cho não chứ không phải thuốc chữa bệnh Alzheimer”, BS An nói.

Là bệnh lý điều trị giảm triệu chứng càng sớm càng tốt, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh cần được tới gặp bác sĩ khi có các dấu hiệu: Giảm trí nhớ làm rối loạn cuộc sống hằng ngày; khó khăn trong việc lên kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề; khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc; nhầm lẫn về thời gian và không gian; khó nhận biết về hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian; phát sinh vấn đề mới với từ ngữ khi viết/đọc; đặt nhầm chỗ các đồ vật và mất khả năng nhớ lại các bước để tìm lại đồ; giảm khả năng phán đoán hoặc ra quyết định; thu mình khỏi công việc hoặc hoạt động xã hội; thay đổi cảm xúc và nhân cách. 

                         Theo THIÊN LAM/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm