Cập nhật: 13/04/2019 11:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

"Các đơn vị đào tạo chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn, trong khi đó tại các trung tâm trọng điểm du lịch thì công tác đào tạo rất yếu..."

Tại Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam 2019 diễn ra sáng 12/4 tại TPHCM, các đại biểu kiến nghị nhiều nội dung nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel cho biết: "Nguồn nhân lực phục vụ buồng phòng khách sạn hiện thiếu nghiêm trọng. Các đơn vị đào tạo chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn, trong khi đó tại các trung tâm trọng điểm du lịch thì công tác đào tạo rất yếu. Lượng sinh viên được qua đào tạo thấp hơn nhiều so với nhu cầu 10.000 - 15.000 người lao động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú trên cả nước. Đối với dịch vụ lữ hành, các doanh nghiệp sử dụng khoảng 20.000 lao động, 40.000 hướng dẫn viên, con số này gần như không thể đảm nhiệm nổi phục vụ cho khách du lịch, đặc biệt với khách nói ngôn ngữ ít thông dụng".

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel.

Trước thực trạng trên, ông Kỳ kiến nghị ngành du lịch cần có chiến lược đào tạo rõ ràng, chương trình đào tạo cần được cập nhật theo chuẩn quốc tế, đặc biệt là cần có chính sách khuyến khích thành lập cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp.

Ông Kỳ nói: "Chúng ta cần 3 tuyến đào tạo: đầu tiên là tuyến đào tạo trực tiếp cho những người tham gia làm trực tiếp lĩnh vực du lịch, đào tạo chuyên sâu chuyên ngành. Thứ hai là gián tiếp về kỹ năng, thái độ phục vụ. Thứ ba là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý chuyên ngành về du lịch”.

Theo ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc điều hành Saigontourist, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, do đó để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp để cơ sở giáo dục có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp từ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Chất lượng đầu vào của sinh viên cũng là một yếu tố quan trọng, để đáp ứng việc tuyển dụng đầu vào, các cơ sở cần nhanh chóng xây dựng khung chương trình đào tạo tương ứng theo sát các yêu cầu thực tế phát triển ngành du lịch đồng thời vừa phù hợp các tiêu chuẩn chức danh nghề du lịch của quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã có đề án xây dựng phương thức đào tạo gắn liền thực tiễn với hàn lâm. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp với các bộ ngành sắp xếp lại cơ sở đào tạo theo hướng chuẩn hóa, tránh tình trạng mỗi sinh viên đầu ra theo một chuẩn, rất khó tham gia thị trường. Bộ cũng sẽ khuyến khích xã hội hóa để doanh nghiệp tham gia vào đào tạo, tạo chuỗi tuần hoàn giữa người đào tạo, sử dụng, hỗ trợ lẫn nhau trong một quy trình chuẩn chỉnh chứ không hợp tác hai bên thông thường.

Ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

"Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục cùng các Bộ ngành, các cơ sở đào tạo, hiệp hội, doanh nghiệp có các ý kiến thiết kế định hướng chương trình tạo động lực cho sinh viên, nhiều nguồn lực tham gia. Từ đó tiến đến kiểm định để chuẩn hóa theo hướng quốc tế chương trình đào tạo, tránh tình trạng không công nhận lẫn nhau”, ông Nhạ nói./.

 

 

Theo Duy Phương/VOV.VN

 

Tệp đính kèm