Cập nhật: 16/04/2019 15:32:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dư luận lo ngại việc nhiều mặt hàng quan trọng tăng giá dồn dập đầu năm sẽ đưa đến một đợt tăng giá hàng hóa mới trong quý II và III/2019.

Nửa cuối tháng 3/2019, giá điện đã tăng 8,36% và mới đây giá xăng dầu đã tăng khá mạnh với hơn 1.000 đồng/lít xăng dầu, rồi đây một số mặt hàng trong năm có khả năng tiếp tục tăng giá như sách giáo khoa, dịch vụ y tế,… Dư luận lo ngại việc nhiều mặt hàng quan trọng tăng giá dồn dập đầu năm sẽ đưa đến một đợt tăng giá hàng hóa mới trong quý II và III/2019.

Việc người tiêu dùng lo ngại là có cơ sở thực tế, bởi trong những ngày gần đây một số hàng hóa, dịch vụ đã rục rịch tăng giá, điển hình như các sản phẩm thực phẩm, ăn uống, chăm sóc thẩm mỹ… tuy mức tăng không cao và dao động khoảng 5-10% tùy loại hàng hóa dịch vụ. Chỉ có rau củ quả là có giá mềm xuống đôi chút do thời tiết thuận lợi và đang vào thời điểm thu hoạch rộ.

Riêng các loại cước vận tại hành khách, taxi cũng chưa thấy có những động thái tăng giá, chắc họ còn đang tính toán về chi phí, điều chỉnh đồng hồ tính tiền, khoảng 300.000 – 400.000 đồng/xe và còn tính toán đến việc cạnh tranh với taxi công nghệ và các hãng taxi khác. Nhưng chắc chắn giá cước vận tải sẽ tăng nếu một vài tháng tới, giá xăng vẫn ở mức cao như hiện nay hoặc còn có thể tăng tiếp trong thời gian tới.

Người tiêu dùng lo ngại nhiều mặt hàng, dịch vụ sẽ tăng theo giá theo giá nguyên liêu đầu vào.

Một số chuyên gia có lo ngại tới việc tăng giá hàng hóa theo kiểu “té nước theo mưa” - cụm từ này nghe ra có vẻ hợp lý khi đã nhiều lần các mặt hàng là nguyên liệu đầu vào tăng thì các mặt hàng có liên quan sẽ tăng giá, tuy nhiên không phải hoàn toàn như vậy. Bởi vì chúng ta đều biết, hàng hóa nào cũng đều phải động tới chi phí vận chuyển, bảo quản và tiêu thụ. Do đó, việc đẩy giá lên là một điều tất yếu, điều quan trọng là có “té nước” quá mức hay không thì mới đáng trách.

Nhân câu chuyện tăng giá của điện xăng dầu vừa qua, chúng ta cũng có thể có nhiều cách để kìm hãm bớt tốc độ tăng giá của hàng hóa, giúp cho thị trường tiêu dùng hợp lý hơn, tránh những cú sốc mạnh không cần thiết.

Bài toán muôn thuở và là đầu tiên đó là giải quyết quan hệ cung cầu. Ví dụ giá cam sành miền Nam tại vườn hiện nay là 7.000 – 8.000 đồng/kg nhưng ở thị trường phía Bắc vẫn từ 35.000 – 50.000 đồng/kg, hệ thống phân phối vẫn tiếp tục có vấn đề với mặt hàng cam và những mặt hàng thiết yếu khác cho các gia đình.

Đường ăn cũng vậy, lượng đường tồn kho rất lớn lên đến mấy trăm nghìn tấn, nhiều lúc phải xuất xưởng với giá 10.000 – 11.000 đồng/kg nhưng thị trường bán lẻ như chợ và siêu thị vẫn ở mức 20.000 – 22.000 đồng/kg.

Nói như vậy có nghĩa là khâu cng ứng hàng hóa còn rất nhiều bất cập. Chúng ta phải tổ chức lại hệ thống phân phối, đưa nhanh hàng hóa từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ lẻ, giảm bớt trung gian và chi phí bán lẻ bất hợp lý. Cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi cung ứng, đảm bảo đầu ra cho sản xuất một cách hợp lý và đầu vào cho người tiêu dùng với giá cả chấp nhận được.

Bàn tay của các cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả để tổ chức lại sản xuất, thị trường, mạng lưới phân phối, cung cấp thông tin đầy đủ, rộng rãi, dễ nhận biết cho các chủ thể tham gia sản xuất kinh doanh trên thị trường.

Về lâu dài, cần tổ chức các trung tâm giao dịch hàng hóa, nông sản thực phẩm, các chợ đầu mối để buôn bán một cách công khai minh bạch, cạnh tranh một cách bình đẳng, góp phần giảm bớt tốc độ tăng giá không cần thiết như hiện nay và trong tương lai tiếp theo của thị trường nội địa Việt Nam.

 

                                                                    Theo CTV Vũ Vinh Phú/VOV.VN

Tệp đính kèm