Theo thống kê, tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở Việt Nam chiếm khoảng 1,5%-2% số trẻ sinh ra hàng năm. Dị tật thai nhi để lại những hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Với sự tiến bộ của y học và nhận thức về sức khỏe của cộng đồng ngày một tăng lên, sàng lọc chẩn đoán trước sinh hay các phương pháp phân tích di truyền ngày càng trở nên thiết yếu.
Mỗi nay, Trung tâm chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương tiếp đón hàng trăm thai phụ đến khám, tư vấn và sàng lọc trước sinh. Chị Trần Thị Lan – Tỉnh Vĩnh Phúc đang mang song thai ở tuần thứ 18. Nhờ khám và siêu âm định kỳ, chị được bác sỹ phát hiện ra những bất thường ở thai nhi.
Theo các bác sĩ sản khoa, dị tật bẩm sinh là những khiếm khuyết của cơ thể trẻ mắc phải khi thụ thai, mà có thể cho tới khi sinh ra mới nhận biết được. Việc tìm kiếm cũng như xác định được các thương tổn sớm ngay trong thời kỳ thai nghén có thể giúp các thai phụ quyết định sớm có nên giữ hay không giữ bào thai đó.
Theo các chuyên gia, các phương pháp sàng lọc cơ bản nhất hiện nay là sàng lọc double test hoặc triple test ở 3 tháng đầu của thai kỳ, tiếp đó là các phương pháp như chọc hút ối để chẩn đoán các bất thường di truyền cho thai.
Tại các cơ sở y tế trên cả nước có triển khai sàng lọc, chẩn đoán trước sinh đều có thể thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán và sàng lọc sơ sinh. Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh góp phần to lớn trong việc nâng cao chất lượng dân số, giống nòi. Nhờ đó có thể nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật và tử vong ở trẻ em, thu hẹp đáng kể sự khác biệt và các chỉ số sức khỏe trẻ em giữa các vùng miền theo mục tiêu mà chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra. Mặt khác, hiện nay, người dân có thể thực hiện sàng lọc sơ sinh tất cả các bệnh di truyền./.
Theo Truyền hình thông tấn