Trong tháng 4, mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tiếp nhận từ 5.000-6.000 bệnh nhi đến khám bệnh; trong đó khoảng 20-30% bệnh nhi mắc bệnh lý về đường hô hấp, 10-20% mắc các bệnh về tiêu hóa.
(Ảnh minh họa. Dương Ngọc/TTXVN)
Thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài những ngày qua tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh khu vực phía Nam nói chung, khiến nhiều trẻ em và người lớn tuổi phải đến bệnh viện khám bệnh do mắc các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa, da liễu...
Theo các bác sỹ, nắng nóng gây rối loạn điện giải, giảm sức đề kháng chính là nguyên nhân khiến người già và trẻ em dễ mắc bệnh hơn.
Đầu giờ sáng 24/4, khu vực Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh đông nghẹt phụ huynh bế con nhỏ chờ đến lượt khám.
Luôn tay phe phẩy cây quạt giấy trên tay, chị Nguyễn Thị Hồng (trú tại Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết con chị bị sốt ba ngày nay, dù đã khám bác sỹ gần nhà nhưng không khỏi nên chị đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1.
“Mấy ngày nay cháu bị sốt, kèm theo thời tiết nắng nóng nên cháu quấy khóc, không chịu ăn, không chịu ngủ. Trời nóng oi bức như thế này đến mình còn muốn đổ bệnh nữa là trẻ con," chị Hồng chia sẻ.
Gần đó, chị Lê Thị Thanh Tuyền (trú tại tỉnh Long An) cho biết cho trai chị nổi rôm sẩy khắp người gần một tuần nay. Cháu mới 3 tuổi, nổi rôm ngứa ngáy, càng gãi càng bị lở loét nặng hơn. Chị mua thuốc về bôi, tắm nước lá cho con nhưng rôm sảy cứ lặn rồi lại mọc tiếp.
Bác sỹ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết trong tháng Tư, mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận từ 5.000-6.000 bệnh nhi đến khám bệnh; trong đó khoảng 20-30% bệnh nhi mắc các bệnh lý về đường hô hấp, 10-20% mắc các bệnh về tiêu hóa, khoảng 5% mắc bệnh tay chân miệng và rải rác một số ca bệnh thủy đậu, viêm não. Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến số lượng bệnh nhi đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng nhẹ khoảng 5% so với tháng trước.
Cũng theo bác sỹ Hoàng, dưới tác động của nắng nóng, sức đề kháng của trẻ em giảm, dễ bị thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều hơn. Trẻ thường bị mắc các nhóm bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, mắc bệnh lý về tiêu hóa như tiêu đàm máu, tiêu chảy cấp, viêm ruột… Bên cạnh đó, các bệnh lý về da như nhiễm trùng da, viêm da, rôm sảy cũng tăng nhẹ.
Không chỉ riêng trẻ em, người lớn tuổi cũng là đối tượng bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng kéo dài. Tại Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng bệnh nhân trên 60 tuổi đến khám về bệnh huyết áp và rối loạn giấc ngủ trong những ngày qua tăng 15%. Ngoài ra, các bệnh lý về tiêu hóa, hô hấp, da liễu cũng tăng từ 7-10% so với tháng Ba.
Bác sỹ Hoàng Mạnh, Phó Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thời tiết nắng nóng kéo dài làm gia tăng các bệnh đột quỵ do nhiệt, tăng huyết áp, tim mạch, sốc nhiệt, các bệnh lý về cơ xương khớp ở người cao tuổi. Đặc biệt, những người cao tuổi có các bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, tim mạch có sức đề kháng yếu thì nguy cơ mắc bệnh càng cao, nhất là nguy cơ đột quỵ não có xu hướng tăng.
Để đảm bảo sức khỏe, người lớn tuổi cần hạn chế ra ngoài những giờ cao điểm nắng nóng, không lạm dụng máy lạnh, quạt phun sương, tắm nhiều lần trong ngày. Đặc biệt những người mắc có tiền sử mắc bệnh tim mạch, huyết áp cần tuân thủ uống thuốc đều đặn, theo dõi huyết áp thường xuyên.
Các bác sỹ cũng khuyến cáo, trong những ngày nắng nóng, người cao tuổi và trẻ em cần được ăn uống, bổ sung đầy đủ vitamin, chất xơ từ trái cây, rau củ, ăn uống đủ chất để tăng cường sức khỏe, hạn chế nguy cơ mắc bệnh./.
Theo Đinh Hằng (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/tre-em-nguoi-gia-mac-benh-ho-hap-tieu-hoa-tang-do-nang-nong-keo-dai/565838.vnp