Phim Việt Nam chiếu vào dịp Tết Nguyên đán 2019 vừa qua có doanh thu đột phá, sau sáu ngày chiếu đã thu về hơn 250 tỷ đồng. Ðiều đó cho thấy sự khởi sắc của thị trường điện ảnh trong nước; một tín hiệu vui đối với các nhà đầu tư và sản xuất phim Việt Nam.
Cảnh trong bộ phim Hai Phượng.
Điển hình, hai bộ phim chiếu dịp Tết 2019 Cua lại vợ bầu và Trạng Quỳnh đã tạo cơn sốt tại các phòng vé với doanh thu rất lớn. Ngay sau hiện tượng đặc biệt này, bộ phim Hai Phượng tiếp tục phá kỷ lục doanh thu khi chỉ sau ba tuần công chiếu đã thu được 160 tỷ đồng. Hiện bộ phim được chiếu trên hệ thống rạp của Mỹ, Ca-na-đa và sắp tới sẽ chiếu tại Trung Quốc; trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam khi đạt mức hơn 200 tỷ đồng. Bộ phim tạo ra cú đột phá mới về thể loại phim hành động, kể câu chuyện về một người mẹ vùng quê tìm cách cứu con mình khỏi đường dây bắt cóc, lôi cuốn đến nghẹt thở, mang ý nghĩa nhân văn cao. Hai Phượng cũng cho thấy khát vọng và mong muốn đưa phim Việt Nam, trong trường hợp này là phim thị trường, ra thế giới.
Ðiểm lại số lượng phim sản xuất trong nước bốn năm qua, có thể thấy những con số "biết nói". Cụ thể: năm 2015 có 40 phim (sáu phim nhà nước, 34 phim tư nhân); năm 2015 có 35 phim (không có phim nhà nước, 35 phim tư nhân); năm 2017 có gần 40 phim (không có phim nhà nước); năm 2018 có 41 phim (có một phim của Ðiện ảnh Quân đội, còn lại là phim tư nhân); năm 2019 dự đoán có khoảng 60 đến 70 phim. Ðiện ảnh Việt Nam đã bước sang một trang mới; điện ảnh thị trường đã thu hút mối quan tâm đông đảo của công chúng.
Thời gian qua, phải thừa nhận đã diễn ra "cuộc chiến" khốc liệt giữa phim Việt Nam với các phim "bom tấn" của Mỹ, Hàn Quốc sản xuất,... Song, điều đáng mừng là phim Việt Nam vẫn tồn tại, phát triển và ngày càng thu hút được khán giả đến rạp. Ðiều đáng mừng nữa, là dòng phim hài nhảm, rẻ tiền, đầu tư sơ sài đã không còn đất dụng võ như trước. Dòng chảy của điện ảnh thị trường đang chứng minh những bộ phim ăn khách đều được làm bài bản, chất lượng với tính chuyên nghiệp cao trên mọi phương diện, từ cách kể chuyện đến xử lý hình ảnh, âm thanh, trang phục, bối cảnh,… Rất nhiều hãng phim, nhà sản xuất cùng ê-kíp làm phim đã hướng tới nghệ thuật và cái đẹp trong tâm hồn Việt ở nhiều tác phẩm, như: Dòng máu anh hùng; Cánh đồng bất tận; Em là bà nội của anh; Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh; Cô Ba Sài Gòn; Sài Gòn, anh yêu em; Tháng năm rực rỡ… Bên cạnh đó, có một số phim hay về nghệ thuật kể chuyện cũng như ngôn ngữ điện ảnh, như: Song lang, Cha cõng con, Ðảo của dân ngụ cư, Nhắm mắt thấy mùa hè… Song, đáng tiếc là những phim được đánh giá có tính nghệ thuật cao này lại không thu hút đông khán giả tới rạp để thưởng thức giống như hàng loạt các phim có giải thưởng cao, chẳng hạn: Trăng nơi đáy giếng, Long thành cầm giả ca, Ðừng đốt, Những người viết huyền thoại… Từ thực tế nêu trên có thể thấy rằng, những bộ phim dù có giá trị văn hóa và lịch sử nhưng khi chỉ nặng về tính nghệ thuật có thể sẽ không đạt mức doanh thu như kỳ vọng. Ðây là điều đáng quan tâm và suy nghĩ.
Để cho ra đời một bộ phim điện ảnh là vô vàn khó khăn, khổ ải. Ðó là kết quả lao động của cả một tập thể cùng kinh phí đầu tư khá lớn của nhà sản xuất. Vậy mà thực tế hiện nay, khoảng hơn một phần ba số lượng phim sản xuất hằng năm vẫn còn sự dễ dãi, sự nghèo nàn trong xây dựng cốt truyện và tính cách nhân vật; những ý tưởng và chủ đề cũ kỹ; sự rời rạc, chắp vá trong cấu trúc của chuyện phim dù các đạo diễn khai thác tối đa các hành động, chi tiết của nhân vật. Có nhiều phim chọn bối cảnh khá kỹ lưỡng, song lại rất tùy tiện khi gắn với nội dung; công tác quay phim kỳ công, đẹp, xử lý mầu tốt, song cũng không cứu vãn nổi sự nghèo nàn của nội dung câu chuyện bởi sự đơn điệu của nhân vật. Có thể khẳng định, công việc xây dựng kịch bản tốt và hay vẫn đang là một lỗ hổng lớn trong điện ảnh Việt Nam.
Muốn có một phim hay trước hết phải có một kịch bản hay. Ở các phòng biên tập của các hãng phim luôn chất hàng đống kịch bản nhưng lại không sử dụng được; có quá nhiều kịch bản đúng, kịch bản tốt nhưng lại quá ít kịch bản hay. Ðó cũng là một trong những lý do tại sao các hãng phim trong nước đang săn lùng mua kịch bản nước ngoài để Việt hóa. Ðiều này ở Việt Nam có vẻ như mới nhưng thế giới đã làm từ rất lâu. Người Nhật đã chuyển thể và Nhật hóa Vua Lia của W. Sếch-xpia thành Vua Ran do đạo diễn lừng danh Ka-ru-sa-oa làm đạo diễn; trở thành một tác phẩm kinh điển của điện ảnh. Ðài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã mua Người phán xử của I-xra-en, Việt hóa và chiếu thành công với lượng khán giả kỷ lục. Vô gian đạo của Hồng Công (Trung Quốc) được người Mỹ mua kịch bản gốc và bộ phim đã đoạt giải Ô-xca…
Có khá nhiều bộ phim Việt hóa từng thất bại cả phương diện nghệ thuật lẫn thương mại. Nhưng không thể không thừa nhận sự thành công của ít nhất hai bộ phim Em là bà nội của anh và Tháng năm rực rỡ về sự hấp dẫn cũng như tính nhân văn và cả phương diện thương mại, khi đã thắng lớn ở phòng vé trong nước. Một số vấn đề đặt ra, là tại sao phải mua kịch bản để Việt hóa? Và nếu nền điện ảnh Việt Nam phần lớn chỉ là phim mua kịch bản gốc hoặc phiên bản phim nước ngoài thì điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta lại chỉ tập trung "gia công" phim nước ngoài? Ðó là câu trả lời dành cho các nhà quản lý và sản xuất điện ảnh. Nhưng có một điều, để mua được kịch bản gốc của nước ngoài vừa hay vừa ăn khách là rất khó và đắt tiền. Một vấn đề nữa là càng có nhiều phim hay thì khán giả càng có nhiều sự lựa chọn; và nó làm phong phú hơn cho điện ảnh Việt Nam.
Giờ đây, yếu tố ăn khách đã trở thành một nghệ thuật - đó là "nghệ thuật ăn khách"! Làm sao để phim có nhiều khán giả đến xem? Nếu như điện ảnh thị trường đã thu hút khán giả thì khán giả hôm nay chính là người quyết định sự thành công về phương diện doanh thu. Người xem bây giờ phần lớn là lớp trẻ độ tuổi từ 15 đến 30, đến rạp mua vé và đóng thuế. Chính lượng khách hàng này quyết định sự thành, bại của các nhà sản xuất, các hãng phim.
Có thể thấy, trong cơ chế đổi mới, xóa bỏ bao cấp, sự tồn tại hay không tồn tại của nền điện ảnh Việt Nam là do thị trường điện ảnh quyết định; sứ mệnh này bây giờ đặt trên vai các nhà sản xuất và hãng phim tư nhân. Những con số biết nói từ phòng vé của các bộ phim Việt Nam đạt kỷ lục doanh thu cho thấy sự nỗ lực của các nghệ sĩ, người làm phim và nhất là các nhà đầu tư, sản xuất. Chính họ đã kéo khán giả đến rạp, chính họ đang phải cạnh tranh quyết liệt với các phim bom tấn, các "ông kẹ" khổng lồ đến từ các quốc gia điện ảnh nổi tiếng thế giới; đồng thời có khát vọng mang phim Việt Nam ra thế giới. Nhìn một cách tổng thể về sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, trong mấy năm gần đây đã có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, chúng ta có khá nhiều phim nhưng vẫn còn quá ít "chất dinh dưỡng" cho các bạn trẻ, cho tâm hồn Việt và vẻ đẹp cuộc sống bởi cái đích mà một nền điện ảnh chân chính cần hướng đến chính là bồi đắp tâm hồn con người hướng tới chân, thiện, mỹ. Ở khía cạnh này, rõ ràng chúng ta đã chưa hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng, cao cả đó. Ðiện ảnh Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức cam go, còn nhiều việc cần phải làm trên con đường hội nhập và phát triển.
ÐẠO DIỄN, NSND ÐÀO BÁ SƠN
Theo nhandan.com.vn