Cập nhật: 28/04/2019 08:21:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhu cầu du lịch đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tăng cao khiến giá tour, giá dịch vụ, giá phòng khách sạn cũng như chi phí đi lại tăng mạnh.

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài tới 5 ngày, vì thế nhu cầu đi du lịch nghỉ dưỡng của người dân tăng cao đột biến. Nhiều người thức thời đã đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn tại điểm đến du lịch từ cả tháng trước đó, nhưng do nhu cầu tăng đột biến, nhiều trường hợp vẫn phải chịu cảnh dở khóc, dở cười vì giá vé máy bay, giá tàu phà, giá tour có nhiều thay đổi.

Chị Nguyễn Chung Thủy (Ba Đình, Hà Nội) biết trước sẽ được nghỉ lễ 5 ngày nên cách đây 1 tháng đã có kế hoạch cùng gia đình ra đảo Cô Tô (Quảng Ninh) nghỉ dưỡng. Việc đặt phòng nghỉ tại đảo đã được chị Thủy liên hệ từ trước chỉ đợi ngày lên đường với hi vọng một kỳ nghỉ vui và thú vị.

Cảng Cái Rồng (Vân Đồn, Quảng Ninh) tăng giá vé tàu cao tốc ra đảo Cô Tô từ 230.000 đồng lên 250.000 đồng đối với khách du lịch.

Tuy nhiên, ngày 27/4, khi có mặt tại cảng Cái Rồng thì chị Thủy nhận được thông báo, giá vé tàu cao tốc ra đảo Cô Tô áp dụng từ ngày 20/4 tăng từ 200.000 đồng lên 250.000 đồng đối với người dân đảo; tăng từ 230.000 đồng lên 250.000 đồng đối với du khách. Không chỉ chị Thủy mà nhiều du khách đến mua vé đều bất ngờ về việc tăng giá vé này.

“Không rõ là vào mùa du lịch nên giá vé tàu tăng hay lý do nào khác, nhưng việc tăng giá vé tàu vào dịp này là rất nhạy cảm và gây bức xúc cho nhiều người, không phải chỉ riêng với khách du lịch và chính cả những người dân địa phương. Nếu không vì đặt phòng trước ngoài đảo Cô Tô có lẽ tôi sẽ thay đổi điểm đến lần này”, chị Thủy cho biết.

Chị Thảo Trang (phố Giang Văn Minh, Ba Đình, Hà Nội) nhân dịp kỳ nghỉ lễ dài này cũng quyết định cùng người yêu đi du lịch đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Tuy vậy, dù đã liên lạc để đăng kí phòng nghỉ trên đảo từ 3 tuần trước đợt nghỉ lễ, nhưng chị Thảo Trang nhận được sự thất vọng vì các khách sạn, nhà nghỉ tại đảo đợt này đều đã kín chỗ khách đặt trước từ cuối tháng 3.

“May mắn cho bọn mình là thông qua một diễn đàn về du lịch, mình được một người nhượng lại 1 phòng đã đăng kí trên đảo Lý Sơn nên trưa nay (27/4) bọn mình sẽ khởi hành. Tất nhiên giá phòng được nhượng lại có chênh lệch cao hơn so với đăng kí trực tiếp nhưng vẫn còn là may bởi ý định không bị phá sản”, chi Thảo Trang chia sẻ.

Dịp nghỉ lễ này nhu cầu đi lại, nghỉ ngơi, ăn uống cũng như các dịch vụ tại các điểm du lịch nổi tiếng tăng cao và luôn trong tình trạng quá tải. Không chỉ tại những điểm nghỉ dưỡng cao cấp mà những điểm du lịch bình dân mới có tình trạng tăng giá phụ phí.

Giá phòng tại các khách sạn 4 - 5 sao ở những thành phố du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc cũng tăng ít nhất 20% so với giá ngày thường, nâng tổng mức tăng từ 800.000 – 1 triệu đồng/phòng/ngày đêm. Các phòng khách sạn tầm trung, homestay giá thuê phòng dịp này cũng tăng ít nhất từ 400.000 - 500.000 đồng/phòng/ngày đêm.

Giá phòng khách sạn tại Thị trấn Sapa (Lào Cai) dịp nghỉ lễ tăng từ 20 -30% so với ngày thường.

Tại khu du lịch Sa Pa (TP Lào Cai) dịp này các khách sạn, homestay cũng đã “cháy” phòng từ cách đây cả tháng và chuyện tăng giá là điều không tránh khỏi. Anh Trần Văn Minh, chủ khách sạn Hương Sơn (thị trấn Sa Pa) cho biết, mức giá phòng khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn dịp này tăng từ 20 - 30% so với ngày thường.

“Không chỉ có giá phòng nghỉ tăng trong dịp này mà kể cả những năm trước hầu như tất cả các dịch vụ như ăn uống, đi lại đều có mức tăng giá tương tự. Một phòng khách sạn hiện tại có giá trung bình 800.000 – triệu đồng/phòng/ngày đêm nhưng cũng rất khó thuê vì rất ít phòng còn trống”, anh Minh giải thích.

Chia sẻ thêm về giá dịch vụ tại các điểm du lịch dịp nghỉ lễ năm nay, chị Nguyễn Ngọc Xuân (Ngũ Xã, Ba Đình, Hà Nội) hiện đang làm việc tại một công ty lữ hành cho biết, cứ vào dịp nghỉ lễ, lượng khách du lịch tăng cao là có tình trạng vé máy bay đến các tuyến như Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng, Phú Quốc tăng vọt. Nhu cầu nghỉ dưỡng tăng cao khiến cho không chỉ giá phòng nghỉ mà các tour du lịch hay giá xe đưa đón cũng phải tăng theo.

“Khách du lịch từ Hà Nội muốn đến Nha Trang du lịch và muốn ra đảo chơi, các công ty lữ hành ngày thường bán 1 tour là 800.000 - 900.000 đồng/người. Nhưng dịp nghỉ lễ này sẽ phụ thu 30% mức giá tour. Xe đưa đón tuỳ chặng cũng tăng thêm 100.000 - 200.000 đồng/chuyến”, chị Xuân cho hay.

Cũng theo chị Xuân, do nhu cầu của khách du lịch tăng cao nên giá vé máy bay đi đến 4 điểm trên cũng tăng giá “chóng mặt” so với ngày thường. Các chuyến đi TP HCM, Đà Lạt, Nha Trang giá bay tăng gấp rưỡi so với ngày thường. Thậm chí có lúc còn tăng gấp đôi.

Giải thích về việc các khách sạn, khu nghỉ dưỡng dịp này thường bị “cháy” phòng trong dịp nghỉ lễ, chị Xuân cho biết thêm, sở dĩ còn rất ít phòng trống trong dịp này là do các đại lý du lịch luôn có kế hoạch “ôm” phòng từ ngay sau Tết Nguyên đán, muộn nhất là trước kì nghỉ lễ 2 tháng, nhiều khi không phải do chính khách du lịch đặt sớm mới xảy ra tình trạng “cháy” phòng.

“Tuy nhiên, các khách sạn vẫn sẽ giữ lại khoảng 20% quỹ phòng để bán cho khách lẻ. Khi giá phòng được bán lẻ như vậy, khách sạn sẽ bán được với giá cao hơn mà không phải chia phần trăm với các đại lý nên du khách có nhu cầu cần phải đặt trước từ 3 – 4 tháng trước chuyến đi”, chi Xuân khuyến cáo./.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Tệp đính kèm