Cập nhật: 09/05/2019 10:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mùa hè, tình trạng nắng nóng kèm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh như: sốt xuất huyết (SXH), tay, chân, miệng (TCM), sởi..., các bệnh về tiêu hóa sinh sôi, phát triển và có thể bùng phát thành dịch. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè, ngành y tế các địa phương cần giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các ổ dịch tại cộng đồng để xử lý kịp thời và triệt để.

Cán bộ Trạm y tế xã Lực Hành, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) tuyên truyền cho người dân về cách phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: MINH HOA

Trong tuần qua (từ ngày 29-4 đến 5-5), tại Hà Nội có thêm 89 trường hợp mắc sởi, nâng tổng số người mắc sởi được ghi nhận từ đầu năm đến nay lên hơn 1.100 trường hợp. Số người mắc sởi trong tuần qua tương đương tuần trước và tuy có giảm so với các tuần trước đó, nhưng vẫn còn cao và dự báo có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 56 nghìn người mắc bệnh SXH, trong đó có ba người chết tại các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang và Bình Thuận. So với cùng kỳ năm trước, số người mắc tăng gấp 3,3 lần. Các tỉnh, thành phố có số người mắc SXH tích lũy cao so với cùng kỳ năm 2018 là: TP Hồ Chí Minh (tăng gấp 3,3 lần); Khánh Hòa (gấp 7,9 lần); Bà Rịa - Vũng Tàu (gấp 5,8 lần); Bình Định (gấp 5,4) lần; Đồng Nai (gấp 3,8 lần)… Cả nước cũng đã có gần 14 nghìn người mắc bệnh TCM, trong đó gần 8.000 người nhập viện và hai người chết. So với cùng kỳ năm 2018, số người mắc sởi trong cả nước tăng 41,7%; số người nhập viện tăng 40,0%. Qua phân tích dịch tễ học cho thấy số người mắc bệnh TCM chủ yếu ở trẻ nam (chiếm 60%); số mắc TCM thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,3%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1 đến 5 tuổi (nhóm tuổi đi nhà trẻ và mẫu giáo chiếm 81,2% và dưới một tuổi 18%)…

Hiện có 59 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố có người mắc bệnh sởi; số mắc sởi chủ yếu vẫn là ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhưng cũng đã ghi nhận khá nhiều người lớn cũng mắc bệnh. Trong số những người mắc sởi, có đến 98,7% có tiền sử chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh, hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc-xin. Các trường hợp mắc tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố, vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin sởi thấp và những đô thị có số dân di biến động lớn.

Nhận định về tình hình hiện nay, các chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng đều cho rằng: các dịch bệnh nguy hiểm trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp và có nhiều nguy cơ xâm nhập vào nước ta như: Cúm A(H7N9), Ê-bô-la, MERS- CoV. Trong khi đó, một số bệnh có vắc-xin dự phòng như sởi, ho gà, bạch hầu…, vẫn có nguy cơ xảy ra các ổ dịch tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Các bệnh lây truyền từ động vật sang người như dại, liên cầu lợn, than… vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ở người. Đáng lo ngại, dịch bệnh lưu hành địa phương như SXH, TCM sẽ tiếp tục gia tăng do thời tiết, khí hậu thuận lợi cho vi-rút gây bệnh sinh sản và phát triển.

Phó Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) TS Đặng Quang Tấn cho biết thêm, mùa hè là thời gian gia tăng hoạt động đi lại, du lịch, buôn bán, vận chuyển gia cầm cũng làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm như: Cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, viêm não… Mặt khác, sự vào cuộc của chính quyền nhiều địa phương chưa quyết liệt, người dân chưa chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường theo hướng dẫn của ngành y tế…

Để chủ động phòng, chống dịch, bệnh mùa hè đạt hiệu quả, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành y tế thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch, bệnh, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan và kéo dài tại cộng đồng. Thực hiện nghiêm việc rà soát, tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung và tổ chức các chiến dịch tiêm phòng để bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường, nhất là đối với các bệnh như: sởi, ru-be-la, ho gà, bạch hầu, viêm não. Các đơn vị y tế chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực, phương tiện, hóa chất, thuốc… nhằm ứng phó kịp thời theo tình huống đối với dịch bệnh lớn, hoặc các tình huống nguy cơ về y tế cộng đồng. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, xử lý ổ dịch và hướng dẫn chẩn đoán, điều trị các bệnh mùa hè theo quy định của Bộ Y tế…

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cũng đã yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn tiếp tục củng cố và nâng cao khả năng phản ứng nhanh. Các cơ sở y tế phải bảo đảm đầy đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, vắc-xin cho công tác phòng, chống dịch, bệnh trên địa bàn mình phụ trách; tăng cường giám sát, hướng dẫn việc triển khai thực hiện tiêm chủng mở rộng bảo đảm an toàn, hiệu quả; tổ chức kiểm tra vệ sinh môi trường, giám sát thường kỳ chất lượng nước sinh hoạt tại các nhà máy, trạm cấp nước... Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè; đưa trẻ trong độ tuổi đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định của ngành y tế… 

Theo THÁI SƠN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm