Cập nhật: 10/05/2019 07:58:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mấy hôm mẹ tôi kêu khó thở nên tôi đưa mẹ đi khám. Bác sĩ nói mẹ bị giãn phế quản. Tôi không hiểu sao mẹ tôi lại mắc bệnh này? Nếu phòng khó thở thì phải làm gì? Mẹ tôi từ bé đến lớn không mấy khi ốm và chưa bao giờ chịu uống viên thuốc nào.

Nguyễn Thu Huyền (Thanh Hóa)

Giãn phế quản là một bệnh lý do căng giãn và hủy hoại không hồi phục của thành phế quản kèm theo tắc các nhánh phế quản nhỏ. Đây là một bệnh khá nặng và tiến triển mạn tính trong nhiều năm. Hầu hết các trường hợp giãn phế quản đều xảy ra sau các bệnh nhiễm khuẩn mạn tính ở phế quản và phổi. Ban đầu, bệnh âm ỉ và không có triệu chứng rõ ràng nên khó phát hiện. Đa số người bệnh đều có triệu chứng ho dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần, dễ nhầm với viêm phế quản hoặc một bệnh về phổi khác. Ho là dấu hiệu xuất hiện sớm nhất. Người bệnh ho nhiều nhất vào buổi sáng khi ngủ dậy, ho dai dẳng quanh năm. Triệu chứng kèm theo là khó thở, lúc đầu người bệnh chỉ bị khó thở khi làm việc gắng sức, sau khó thở thường xuyên, khạc ra khá nhiều đờm, chủ yếu trong các cơn ho buổi sáng để tống ra toàn bộ những chất tiết ứ đọng trong phế quản ban đêm. Ho ra máu là triệu chứng thường gặp nhất. Giãn phế quản là bệnh lý nguy hiểm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Khi phát hiện các triệu chứng, người bệnh cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Nếu mẹ bạn đã được chẩn đoán là giãn phế quản, người nhà cần động viên bà tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ, nếu không bệnh sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Người bệnh cần lao động, sinh hoạt điều độ, giữ ấm cơ thể không bị thời tiết thay đổi ảnh hưởng đột ngột. Tập thể dục đều đặn, đặc biệt là tập thở đều, nếu có điều kiện, nên sống ở nơi có không khí trong lành, khí hậu ấm và khô. Tránh xa các nguồn khói như khói thuốc lá, thuốc lào, khói bếp than, củi.

BS. Bội Hoàn

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm