Cập nhật: 15/05/2019 09:51:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giá trị văn hóa phi vật thể Thăng Long - Hà Nội làm nên lối sống, cốt cách người Hà Nội nhưng đến nay nhiều di sản bị thất truyền.

Nhiều di sản cần bảo vệ khẩn cấp

Di sản phi vật thể Hà Nội phong phú về số lượng và có lịch sử lâu đời. Nghệ thuật trình diễn độc đáo, làng nghề truyền thống, lễ hội dân gian đặc sắc, lối đối nhân xử thế hào hoa, thanh lịch... là những thứ làm nên “hồn cốt” của mảnh đất Hà thành.

Trải qua sự biến thiên của thời gian, nhiều di sản đã mai một, thậm chí có nguy cơ biến mất cần được bảo vệ khẩn cấp. Ngoài ca trù được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể (PVT) cần được bảo vệ khẩn cấp, Hà Nội còn có 11 di sản văn hóa PVT khác cần được bảo vệ khẩn cấp và gần 100 di sản cần ưu tiên bảo vệ.

Di sản cần được bảo vệ khẩn cấp nằm trong loại hình di sản truyền khẩu và nghệ thuật trình diễn dân gian. Đây là các di sản không được thực hành thường xuyên, những người nắm giữ di sản đang ở độ tuổi cao và không có đối tượng trao truyền, môi trường sống thay đổi không còn không gian và những điều kiện thực hành.

Tiếng lóng Đa Chất, xã Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên) là giá trị văn hóa tinh thần hiếm gặp ở những cộng đồng xã hội khác. Tiếng lóng xuất phát từ đời sống và công việc của những người thợ đóng cối xay lúa trong thôn. Họ nói lái đi của một số từ để giao tiếp riêng với nhau, nhằm giữ được thể diện, những bí mật riêng khi hành nghề. Các thợ cối thôn Đa Chất sử dụng khoảng 200 từ tiếng lóng nhưng hiện nghề đóng cối xay đã mất, những người thợ đều cao tuổi nên phần lớn chỉ nhớ được tiếng lóng thông dụng. Thế hệ trẻ hầu như không biết tiếng lóng. Bởi vậy, di sản này đang đứng trước nguy cơ mai một.

Tương tự, hát tuồng cổ, hát trống quân không chỉ ở huyện Thường Tín, Chương Mỹ mà còn có ở Phúc Thọ và một vài nơi khác, là những di sản PVT đặc sắc, cũng như hát ru, hát đú, hát đối giao duyên của người Dao huyện Ba Vì đang dần ít được thực hành, thậm chí không còn thực hành, mà chỉ còn những người cao tuổi nhớ các bài hát. Nếu các di sản này không được bảo vệ khẩn cấp chắc chắn sẽ mất đi và đó là điều đáng tiếc.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long cho rằng, giá trị văn hóa PVT Thăng Long - Hà Nội làm nên lối sống, cốt cách người Hà Nội nhưng đến nay nhiều di sản bị thất truyền. Điều cần thiết lúc này cần kịp thời bảo vệ và phát huy các di sản đó trước khi quá muộn.

Áp lực lên di sản

So với các địa phương trong cả nước, Hà Nội là địa phương có số lượng di sản văn hóa PVT rất lớn, tới 1.793 di sản. Ngoại trừ 3 di sản được UNESCO ghi danh di sản văn hóa PVT đại diện của nhân loại và 16 di sản thuộc danh mục di sản văn hóa PVT quốc gia đã có sức sống trường tồn, các di sản khác ít nhiều đã chịu những tác động của sự thay đổi xã hội, không đủ sức tồn tại, cạnh tranh nếu không được quan tâm đúng mức. Một số lễ hội còn bị thương mại hóa, đang mất dần bản sắc văn hóa truyền thống.

Các nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa PVT ngày một cao tuổi, một số nghệ nhân đã ra đi mà chưa tìm được người để truyền dạy, bảo tồn di sản. Thời gian qua, các nghệ nhân chủ yếu giữ nghề bằng những đam mê mà chưa được sự quan tâm đúng mức của các địa phương.

Điển hình như hát ca trù, hiện nay sức sống của di sản này chỉ ở mức duy trì và có nguy cơ mai một cao. Các nghệ nhân giỏi nghề đàn hát còn lại quá ít và cao tuổi, một số người sức khỏe quá yếu. Các câu lạc bộ hát ca trù đều thành lập theo hình thức tự nguyện, tự trang trải kinh phí hoạt động.

Đây cũng là thực trạng chung của các di sản PVT khác. Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) còn cho rằng, trách nhiệm bảo tồn di sản, phát triển văn hóa của một số cấp, chính quyền địa phương có lúc chưa đồng đều, sâu sát nên thiếu các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai. Một mặt, các cơ quan này chưa chủ động xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế, đô thị. Vì vậy, công tác bảo tồn di sản không tránh khỏi những bất cập./.

Theo Hòa Thuận/VOV.VN

Tệp đính kèm