Trong chiến công vĩ đại trên đường Trường Sơn, lịch sử luôn ghi nhớ hơn 2 vạn nữ chiến sĩ đã hy sinh xương máu và cả tuổi thanh xuân.
Triển lãm trưng bày nhiều kỷ vật và những câu chuyện xúc động về những nữ chiến sĩ đã dành cả thanh xuân cho hòa bình, độc lập dân tộc.
Ngày 19/5/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập tuyến đường vận tải chiến lược để chi viện cho miền Nam và giúp các bạn Lào, Campuchia. Đây là con đường chiến lược đặc biệt, nối liền hậu phương với tiền tuyến lớn, con đường mang tên Hồ Chí Minh vĩ đại.
Từ năm 1959 đến năm 1975 trên tuyến đường Trường Sơn đã diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt, Mỹ đã thả xuống 4 triệu tấn bom đạn các loại, hàng triệu lít hóa chất, gây mưa nhân tạo, tạo bùn nhằm cản trở tuyến vận tải này.
Trong chiến công vĩ đại của con đường Trường Sơn mang tầm vóc lịch sử, ngoài các chiến sỹ nam giới, chúng ta không thể không nhắc đến hơn 2 vạn nữ chiến sĩ từ khắp các địa phương trong cả nước tình nguyện trực tiếp đóng góp công sức chiến đấu với bao mồ hôi, nước mắt và xương máu, đánh đổi cả sự hy sinh của bản thân mình.
Họ là những nữ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, bộ đội thông tin, giao liên, quân y, văn công, lái xe, nhà văn, nhà báo, công binh…
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (1959-2019); 44 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1975-2019) Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn tổ chức Triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn”, với rất nhiều kỷ vật và những câu chuyện xúc động về những nữ chiến sĩ đã dành cả thanh xuân cho hòa bình, độc lập dân tộc.
Triển lãm gồm 3 chủ đề: Dấu ấn một huyền thoại; Những bông hồng thép; Phía sau cuộc chiến.
Dựa trên lời kể cùng chân dung của 60 cựu nữ chiến sĩ, thanh niên xung phong, cuộc sống và chiến đấu nơi tuyến lửa Trường Sơn được hiện lên đầy tính nữ nhưng không kém phần anh dũng, kiên cường.
Triển lãm mong muốn tôn vinh những đóng góp, hi sinh trên tuyến đường Trường Sơn, đồng thời thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của thế hệ sau với các thế hệ đi trước, chia sẻ với những nỗi đau phía sau cuộc chiến để thêm yêu hòa bình và gìn giữ nền độc lập dân tộc.
Triển lãm kéo dài từ ngày 16/5-15/7/2019 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Theo Nhật Nam/chinhphu.vn