Cập nhật: 20/09/2019 07:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tiểu không tự chủ là hiện tượng gặp ở một số người cao tuổi gây phiền toái không nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, thậm chí gây biến chứng nguy hiểm.

Vì vậy, người cao tuổi nên làm gì để hạn chế hiện tượng này?

Nguyên nhân khiến người cao tuổi dễ bị tiểu không tự chủ

Chứng tiểu không tự chủ có nhiều nguyên nhân tại bàng quang, tại cơ thắt (bàng quang, niệu đạo) gọi là hoạt động quá mức của cơ bức niệu gặp ở người cao tuổi. Hoạt động quá mức của cơ bức niệu làm cho sự co bóp của bàng quang không thể ức chế được, dẫn đến tiểu tiện không tự chủ, nước tiểu thoát ra ngoài. Đây là nguyên nhân hay gặp nhất về tiểu tiện không tự chủ ở người cao tuổi (chiếm khoảng  2/3 trường hợp). Hoạt động quá mức của cơ bức niệu có thể do có sỏi bàng quang hoặc khối u nên có thể có rối loạn ở tầng sinh môn, trên xương mu, đái ra máu kèm theo tiểu tiện không tự chủ. Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân hay gặp nhất là do trạng thái tâm thần, thần kinh không ổn định (hay gặp nhất là stress, đặc biệt là nữ giới hoặc do mê sảng, bồn chồn, lo lắng một vấn đề gì đó), rối loạn giấc ngủ hoặc do bất thường điều gì đó (viêm nhiễm, do dùng một loại thuốc nào đó, ví dụ thuốc lợi tiểu...) ở đường tiểu (thận, bàng quang, niệu đạo) hoặc do hạn chế vận động (lười, bị liệt, tuổi cao sức yếu...) hoặc do ảnh  hưởng của ghế ngồi... Tiểu không tự chủ có thể do rối loạn cố định ở bàng quang như tăng hoặc giảm hoạt động của cơ bàng quang, cơ cổ bàng quang hoặc do giãn bàng quang hoặc dị dạng bàng quang bẩm sinh hoặc bệnh ở đường tiết niệu (viêm, sỏi, u...). Ở nữ giới có tuổi, tiểu không tự chủ có thể có sự kết hợp giữa viêm teo âm đạo và viêm teo niệu đạo. Ở những vị trí đó, niêm mạc bị mòn, co giãn mao mạch, viêm. Mặt khác, ở phụ nữ cao tuổi khi bị viêm niệu đạo thường lan đến tam giác bàng quang gây tiểu tiện không tự chủ. Ngoài ra, tiểu không tự chủ có thể do mắc một số bệnh về tiền liệt tuyến ở nam giới (viêm, tăng sinh lành tính, u hoặc ung thư...), bệnh đái tháo đường (đái nhiều, khát nhiều nên uống nhiều, càng uống nhiều nước càng đái nhiều), bệnh suy tim... hoặc do bệnh béo phì. Béo phì là do sự gia tăng cân nặng làm tăng sức chèn ép tới bàng quang, từ đó làm tăng nguy cơ tiểu không kiểm soát, đó cũng là phân tích đưa ra từ nhiều chuyên gia lý giải cho hiện tượng tiểu không kiểm soát ở người bệnh béo phì.

Người cao tuổi thường xuyên tập thể dục giúp nâng cao sức khỏe.

Những hệ lụy

Chứng tiểu không tự chủ thay đổi theo mức độ nghiêm trọng từ hiện tượng chảy một ít nước tiểu khi có gia tăng áp lực ổ bụng khi gắng sức (ho, rặn...) tới mức độ són tiểu liên tục, đến nặng hơn là tiểu không kiểm soát (không tự chủ) và có thể có kèm theo đại tiện không tự chủ.

Người cao tuổi tiểu tiện không tự chủ gây nhiều phiền toái cho ngay cả người bệnh và cả người chăm sóc. Bên cạnh đó, tiểu tiện không tự chủ có thể gây nên nhiễm trùng đường tiết niệu do nước tiểu ứ đọng trong bàng quang. Trước tiên là gây nhiễm trùng bàng quang, dần dần gây viêm ngược dòng lên thận làm viêm dài bể thận, ứ mủ, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể bị suy thận.

Về điều trị

Trước hết, nên được khám bệnh một cách toàn diện để xác định nguyên nhân. Trên cơ sở đó, cần điều trị nguyên nhân triệt để dưới sự chỉ định của bác sĩ khám chữa bệnh. Với người cao tuổi, cần lưu ý đến trạng thái tâm thần, nhất là stress, rối loạn giấc ngủ. Khi người cao tuổi tiểu không tự chủ quá nặng (đái dầm), cần được mặc các loại quần bằng vải không thấm nước và luôn được thay, rửa sạch, lau khô da vùng bẹn, mông bởi vì da ở vùng này rất dễ bị loét, do vậy, khi đái dầm có thể bị nhiễm trùng. Ngoài sự giúp đỡ người bệnh, không nên la mắng họ bởi vì người cao tuổi rất dễ tủi thân và nên giải thích cho họ biết đó là bệnh, không phải do họ gây ra để họ không xấu hổ.

Cách nào hạn chế?

Để hạn chế mắc chứng tiểu không tự chủ, người cao tuổi nên có cuộc sống bình an, không lo lắng suy nghĩ về những việc đã qua trong cuộc sống, không quá lo lắng về một số bệnh tật của mình. Để làm tốt các việc đó, người cao tuổi nên vận động cơ thể hàng ngày theo các bài tập phù hợp với người cao tuổi hoặc đi bộ ngày 60 phút chia làm 2 lần. Hàng ngày, nên tăng cường hoạt động về mặt tinh thần như xem vô tuyến, đọc sách báo hoặc viết sách, báo (nếu có điều kiện), tham gia câu lạc bộ người cao tuổi. Bên cạnh đó, nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý với người cao tuổi, không nên uống rượu, bia, không hút thuốc. Buổi tối, hạn chế uống nước, không uống cà phê, trà đặc bởi vì sẽ gây rối loạn giấc ngủ.

Một cơ thể khỏe mạnh bình thường thường có số lần đi tiểu mỗi ngày khoảng 7- 8 lần, ban ngày 7 lần, ban đêm 1 lần là hợp lý; mỗi lần khoảng 300ml, tổng không quá 3.000ml/ngày. Ban đêm có thể đi tiểu 1 lần. Nếu tiểu nhiều lần hơn về đêm có thể là vì trước khi ngủ uống quá nhiều nước. Sau khi uống nước chừng 30 - 45 phút thường đi tiểu 1 lần. Về cơ bản, quá trình trao đổi chất nước trong cơ thể cần 30-45 phút, nhưng khoảng thời gian này có thể linh động phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Một là ăn mặn hoặc nhạt, khi ăn quá mặn, thời gian bài tiết nước tiểu sẽ mất nhiều hơn vì muối sẽ làm cho khả năng giữ nước trong cơ thể lâu hơn. Lượng nước tiểu thải ra 1 ngày khoảng 1.500ml. Mỗi ngày, lượng nước tiểu bài tiết là khoảng 1.500 - 3.000ml là bình thường.

Tiểu không không tự chủ hay tiểu không kiểm soát, hiện tượng tiểu són, tiểu ít, tiểu gấp, tiểu không điều khiển được (không theo ý mình) hoặc tiểu nhiều lần gây khó chịu. Tiểu không tự chủ là một dấu hiệu hay triệu chứng của rối loạn chức năng đường tiểu chứ không phải là một bệnh.

BS. Nguyễn Văn Liên

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm