Tối 18-5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Sáng mãi tên Người - Hồ Chí Minh”. Đây là chương trình kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2019) và 50 năm thực hiện Di chúc của Người.
Tới dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng: Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; đồng chí Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng Ban Dân vận T.Ư.
Một tiết mục văn nghệ tại chương trình. Ảnh: THÀNH ĐẠT (TTXVN)
Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Nhân Dân, VTC16 và một số đài địa phương.
Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản anh hùng ca, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, về trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng và là sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam. Nhớ về Người là dịp chúng ta hiểu hơn về Bác, để từ đó thường xuyên noi gương Bác, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, học hỏi, tìm tòi, đổi mới, gắn lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, tiếp tục đẩy mạnh học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Học và làm theo Bác đã trở thành hành động tự giác, là mệnh lệnh từ trái tim cho mỗi chúng ta ở mỗi thời kỳ cách mạng, ở mọi công việc, suy nghĩ, hành động. Nhớ về Bác, chúng ta thấm thía nỗi trăn trở, lo lắng của Người trước khi đi xa rằng: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Chương trình nghệ thuật “Sáng mãi tên Người - Hồ Chí Minh” được thực hiện với tấm lòng thành kính và biết ơn sâu nặng, ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi với non sông, đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta, soi đường dẫn dắt chúng ta đi đến mọi thắng lợi...
Chương trình nghệ thuật “Sáng mãi tên Người - Hồ Chí Minh” gồm ba phần: Ra đi tìm đường cứu nước; Đất nước, thế giới ngợi ca Người; Hồ Chí Minh - Người sống mãi với non sông đất nước. Khán giả được thưởng thức những ca khúc quen thuộc về Bác, như: Từ Làng Sen, Bến nhà Rồng, Bác Hồ một tình yêu bao la, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Viếng lăng Bác, Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ, Người là niềm tin tất thắng... Chương trình có sự tham gia của các Nghệ sĩ Ưu tú: Thanh Lam, Phương Thảo, Việt Hoàn; các ca sĩ: Trọng Tấn, Đăng Dương, Bùi Lê Mận, Phương Thanh, Thanh Thảo...
Cũng trong Chương trình nghệ thuật “Sáng mãi tên Người - Hồ Chí Minh”, tại Nhà hát Lớn trưng bày 38 bức tranh của nhiều họa sĩ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đặc biệt ấn tượng, các tác phẩm hội họa là của các họa sĩ các thời kỳ hội họa Đông Dương, hội họa kháng chiến đến hội họa đương đại. Hình ảnh Bác trong tranh hiện lên lung linh, cao cả, thiêng liêng nhưng cũng hết sức gần gũi. Các tác phẩm trưng bày thuộc sở hữu của Công ty Đầu tư và Phát triển nghệ thuật Việt Nam đều của các họa sĩ nổi tiếng của mỗi thời kỳ, như: Tô Ngọc Vân, Mai Văn Hiến, Phạm Văn Đôn, Trần Chắt, Đinh Quân, Ngô Hải Yến, Lê Đức Tùng...
Theo PV/nhandan.com.vn