Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, Viện Khảo cổ vừa công bố kết quả khai quật khảo cổ Hoàng thành Thăng Long Hà Nội. Kết quả khai quật phát hiện thêm những dấu tích kiến trúc, nhất là những hiện vật trang trí kiến trúc thời Lê, Lê Trung Hưng, cung cấp thêm hiểu biết về Hoàng thành.
Các nhà khoa học khảo sát hố khai quật tại Hoàng thành Thăng Long.
Bên những hố khai quật, Phó Giáo sư Tống Trung Tín, Chủ nhiệm công trường khảo cổ Hoàng thành Thăng Long phấn khởi cho biết: "Cứ mỗi đợt khai quật, lại phát hiện thêm những cái mới, đợt nào cũng có những nét độc đáo. Năm nay, chúng tôi khai quật ở phía đông bắc nền điện Kính Thiên. Ðây là lần khai quật sâu nhất, với hố đào sâu tới hơn 7 m. Cứ hết lớp hiện vật của thời kỳ này lại đến lớp hiện vật thời kỳ kia, kéo dài từ thế kỷ thứ 7 cho đến thế kỷ 20. Nhưng ấn tượng nhất là dấu tích kè đá của một ao hồ, được thiết kế uốn lượn rất đẹp thời Lê Trung Hưng, khoảng thế kỷ 17-18; dấu tích móng đá rộng khoảng hơn 3 m, hệ thống hiện vật trang trí kiến trúc thời Lê; đồ gốm của cung đình. Những dấu tích mới vừa giúp ta hiểu thêm về kiến trúc Hoàng thành, nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi về không gian của Hoàng thành Thăng Long xưa, nhất là giới hạn của điện Kính Thiên, giá trị kiến trúc đó trong tổng thể di tích".
Dấu tích về kè đá này nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học. Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc đánh giá: "Chúng ta có một dữ liệu lịch sử hết sức quan trọng là bản đồ Hồng Ðức. Trên bản đồ có điện Vạn Thọ là nơi ở của nhà vua và có hồ rất to ở phía đông bắc, tức phía sau, bên trái điện Kính Thiên. Lịch sử ghi nhận khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ ra bắc đến yết kiến Vua Lê Hiển Tông chính ở điện này. Những kết quả khai quật làm rõ hơn dữ liệu trên bản đồ. Có thể đây là khu vực điện Vạn Thọ. Nếu như tiếp tục khai quật về phía đông nền điện Kính Thiên thì sẽ làm rõ thêm không gian của Hoàng thành". Tiến sĩ Bùi Minh Trí cũng cho rằng, kết quả khai quật cho thấy, nhiều dấu tích kiến trúc đã bị phá, cắt khi kè hồ. Như vậy, thời Lê Trung Hưng đã có sự thay đổi về quy hoạch không gian so với thời kỳ trước đó.
Trước đây, hiện vật khai quật được chủ yếu là dấu tích kiến trúc. Năm 2017 và nhất là năm 2018, các nhà khoa học đã tìm thấy một số lượng rất lớn các trang trí kiến trúc, nhất là kiến trúc bộ mái. Năm nay, ngoài hệ thống ngói hoàng lưu ly (gốm phủ men vàng dùng cho hoàng cung), thanh lưu ly (gốm phủ men xanh lá cây dùng cho hoàng cung), các nhà khoa học tiếp tục tìm thấy đầu rồng trên mái ngói; nhất là những viên gạch thông gió hình vuông, được trang trí hình rồng rất cầu kỳ. Các nhà khoa học đều nhất trí rằng, hệ thống mái ngói âm dương với các hàng ngói dương có viên ngói diềm mái trang trí bằng đầu rồng, các viên ngói tiếp theo tạo thành thân rồng, viên ngói áp mái đuôi rồng là trang trí độc nhất vô nhị ở châu Á. Tiến sĩ Phạm Quốc Quân đề xuất: "Những hiện vật khảo cổ về bộ mái thời Lê đã khá đầy đủ. Chúng ta cần sớm tư liệu hóa, để có thể hình dung một cách rõ nét, cụ thể về bộ mái cung điện thời Lê, đây là điều kiện quan trọng để phục dựng những kiến trúc cung đình thời Lê".
Thực hiện cam kết của Chính phủ với UNESCO về khai thác, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long, mỗi năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội cho phép khai quật khảo cổ một lần. Mỗi năm, diện tích khai thác khoảng 1.000 m2. Kết quả khai quật luôn bổ sung cho hậu thế hiểu biết về giá trị Hoàng thành Thăng Long, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề mới. Nhiều nhà khoa học cho rằng, nếu không có chiến lược hợp lý, hệ thống tư liệu chúng ta thu được qua các cuộc khai quật sẽ vẫn là những mảnh ghép rời rạc, khiến chúng ta bị rối giữa "mê cung" các tầng di sản chồng lớp lên nhau. Tiến sĩ Bùi Minh Trí cho biết: "Năm ngoái, tôi đã đề xuất phải kết nối tư liệu để hình thành bản đồ cho từng thời kỳ. Chẳng hạn, về thời Lý, chúng ta tập hợp tất cả những dữ liệu thu được về thời Lý để dựng lên bản đồ. Tương tự như thế là thời Trần, hay Lê. Một năm trôi qua mà chưa thấy có chuyển biến. Nếu không phân lớp ra từng thời kỳ thì rất khó để nghiên cứu khi mỗi hố đào luôn chồng lấp nhiều thời kỳ khác nhau". Thế giới có hai hình thức khai quật chủ yếu là theo tọa độ, hoặc theo vỉa (khi phát hiện một dấu tích, sẽ tiếp tục men theo dấu tích đó để tìm ra tổng thể). Nhưng cách khai quật ở Hoàng thành hiện nay còn bất cập, mỗi năm chỉ khai quật một ô rất nhỏ so với tổng thể, năm khai quật ở phía bắc, năm khai quật phía nam… căn cứ vào dự đoán của các nhà khoa học. Ðối với các dấu tích kiến trúc lớn được phát hiện, do không khai quật theo vỉa, cho nên các nhà khoa học chỉ có thể dự đoán, mà hầu như rất khó đưa ra kết luận đó thực chất là kiến trúc gì. Nhiều nhà khoa học đề xuất UBND thành phố Hà Nội cần cấp thêm kinh phí; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép khai quật ở diện tích rộng hơn. Bên cạnh đó, cần tập trung hơn vào khu vực quanh điện Kính Thiên để làm rõ không gian khu vực quan trọng nhất của Hoàng thành Thăng Long, thay vì đào rải rác như đã thực hiện trong thời gian qua.
Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới duy nhất trên địa bàn Hà Nội, mang những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc to lớn. Mặc dù Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được thông qua, nhưng đây mới là những định hướng cơ bản. Khai thác, phát huy giá trị của Hoàng thành Thăng Long gồm nhiều hoạt động: Khai quật khảo cổ, nhận diện giá trị khoa học, phục dựng kiến trúc, giới thiệu với công chúng, tổ chức các sự kiện văn hóa… Bởi vậy, thành phố cần có những chỉ đạo sát sao, để có bước đột phá trong hoạt động, để việc bảo tồn, khai thác, phát huy Hoàng thành Thăng Long xứng tầm với giá trị của một Di sản văn hóa thế giới.
Giang Nam
Theo nhandan.com.vn