Tại Việt Nam, số ca mắc ung thư vòm họng ở miền Bắc cao hơn so với các vùng miền khác do môi trường, tập quán ăn uống. Đây là thông tin được BSCKII Trần Thị Hợp, nguyên giảng viên Bộ môn ung thư, Đại học Y Hà Nội; nguyên Phó chủ nhiệm khoa ngoại A, Bệnh viện K cho biết bên lề Chương trình Phòng chống ung thư từ gốc của iCareBase về căn bệnh ung thư vòm họng tại Việt Nam diễn ra tại Hà Nội tối 20-6.
BSCKII Trần Thị Hợp chia sẻ thông tin về ung thư vòm họng.
Ung thư vòm họng là một trong những loại ung thư vùng đầu mặt cổ hay gặp. Hiện nay, nguyên nhân gây ra ung thư vòm họng vẫn chưa rõ ràng. Qua nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan khá rõ của virus EBV (Epstein – Barr) với căn bệnh ung thư vòm họng. Khi xét nghiệm, kháng thể virus EBV cao trên bệnh nhân ung thư vòm họng loại biểu mô không biệt hóa.
Về nguyên tắc, virus EBV có thể lây lan như viêm gan virus B, C… con đường lây có qua dịch tiết (nước bọt) khi hôn, ăn uống chung. Không phải tất cả các trường hợp có virus EBV đều có thể tiến triển thành ung thư. Người ta nghĩ tới tổn thương chức năng tế bào lympho kèm theo nhiễm EBV mãn tính là hai yếu tố nguy cơ cao.
Theo BS Hợp, ung thư vòm họng là một trong những loại ung thư có đặc tính vùng miền khá rõ ràng. Tại Việt Nam, bệnh có tỷ lệ mắc cao ở người miền Bắc hơn người miền Nam.
“Trên thế giới, khu vực mắc ung thư vòm họng cao tập trung ở miền Nam Trung Quốc và các nước vùng Đông Nam châu Á. Nguyên nhân là do tập quán sinh hoạt, yếu tố môi trường, thói quen ăn uống… Virus EBV có thể là yếu tố tác động tới cơ thể gây ra tình trạng suy yếu sản sinh ra các tế bào lạ gây ung thư”, BS Hợp nói.
Các nghiên cứu đã chỉ ra trong cùng một gia đình có nhiều người bị mắc ung thư vòm họng có liên quan tới yếu tố gen. Tỷ lệ tăng cao kháng nguyên HLA-A2 ở vị trí thứ nhất và sự thiếu hụt ở vị trí thứ hai của kháng nguyên HLA-Bw46 có thể tạo điều khiến thuận lợi phát triển thành ung thư.
Vì thế, BS Hợp khuyến cáo, để phòng nguy cơ mắc ung thư vòm họng, nên hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích. Trong ăn uống hạn chế ăn các loại thực phẩm khô như cá khô, các loại thực phẩm lên men như dưa cà muối, thực phẩm ăn nhanh, nhiều chất bảo quản như xúc xích, thịt hun khói, thức ăn chiến rán nhiều lần.
BS Hợp chia sẻ về phương pháp test gen phòng chống ung thư từ gốc.
Theo BS Hợp, hiện nay có nhiều phương pháp để tầm soát và phát hiện ung thư sớm. Ngoài khám sức khỏe định kỳ, làm các xét nghiệm lâm sàng, thì việc test gen để phòng chống ung thư từ gốc đang là phương pháp khá mới mẻ.
BS Hợp cho biết, test gen được triển khai ở cả hai nội dung: một là test gen để chẩn đoán sớm, và hai là test gen với trường hợp bệnh nhân đã mắc ung thư. Việt Nam đã làm test gen với bệnh nhân ung thư để biết tổn thương ở gen nào để dùng hóa chất điều trị cho trúng đích. Tuy nhiên, với việc test gen để chẩn đoán sớm, hiện nay có một số cơ sở mới bắt đầu triển khai.
Việc Sunny Smile là đơn vị tiên phong trở thành đối tác chiến lược của iCareBase trong việc đồng hành nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống ung thư từ gốc còn quá mới mẻ và sẽ phải trải qua nhiều thách thức khi giá thành của test gen đắt đỏ và người dân Việt Nam cũng chưa thật sự quan tâm đến việc khám sức khỏe định kỳ.
Phòng chống ung thư từ gốc là một chương trình cộng đồng mang ý nghĩa toàn cầu nằm trong khuôn khổ chương trình “Bộ Gen người” – Human Genome Program được Công ty IFG Việt Nam – Đại diện độc quyền của tổ chức InnoPro Thái-lan dựa trên nền tảng iCareBase cùng WLIN Global lần đầu tiên phối hợp triển khai tại Việt Nam. Chương trình với sự đồng hành của các chuyên gia thuộc Mạng lưới các “Bác sĩ cùng hệ mặt trời” (Doctors under the same sun) nhằm ứng dụng công nghệ giải mã gen tiên tiến, có khả năng tầm soát và phát hiện sớm các gen bị lỗi và các tế bào có nguy cơ gây ra ung thư, từ đó đề ra các biện pháp nhằm đạt hiệu quả phòng chống cao.
Theo TRẦN NGUYÊN/nhandan.com.vn