Thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay tuy không có "bong bóng", nhưng đang phát triển thiếu bền vững và ẩn chứa nhiều rủi ro.
Thông tin này được đưa ra tại hội thảo "Bất động sản 2019 - Rủi ro và cơ hội” do Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức ngày 22/6 tại Hà Nội.
Các đại biểu tham gia hội thảo cho rằng, cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện dự án đến giao dịch bất động sản chưa đồng bộ, thiếu tin cậy và thiếu minh bạch.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng xuất hiện thêm nhiều sản phẩm như nhà phố thương mại kết hợp với kinh doanh, lưu trú, hoặc khu phức hợp nghỉ dưỡng du lịch có quy mô lớn. Dù chính sách siết tín dụng cho vay bất động sản khiến giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng chậm lại, nhưng đây vẫn là phân khúc đầu tư hấp dẫn.
Từ năm ngoái đến nay, có khoảng 40.000 căn hộ condotel được mở bán. Điều mà các nhà đầu tư và doanh nghiệp lo lắng là hành lang pháp lý về bất động sản nghỉ dưỡng chưa rõ ràng, chưa định hình rõ là bất động sản để ở hay kinh doanh.
Các diễn giả tham gia thảo luận tại hội thảo.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, chính sách của Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ trong thời gian qua đã làm cho thị trường phát triển tốt sau thời gian bị khủng hoảng từ những năm 2000-2013.
Việc các doanh nghiệp chủ động phát triển bất động sản du lịch dưới dạng condotel, shophouse đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư. Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng có sức phát triển khá mạnh, còn nhiều dư địa và tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, những quy định về việc đầu tư xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà đối với các dự án căn hộ du lịch, biệt thự du lịch chưa rõ ràng, khiến các địa phương khó thực hiện. Những căn hộ du lịch ven biển là loại hình bất động sản mới, cần có quy định pháp lý cụ thể, rõ ràng để thị trường bất động sản phát triển ổn định và phát triển ngành du lịch thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn.
“Tôi cho rằng, một khái niệm mới mà chúng ta cần điều chỉnh là bất động sản đa công năng, thì chúng ta quản lý thế nào? Câu chuyện này là hệ quả của kinh tế chia sẻ, tức là một căn hộ thì người ta có thể làm du lịch được. Có như vậy thì ta mới động viên toàn dân làm du lịch. Nếu chúng ta cứ cho rằng khách sạn mới được làm du lịch thì quan điểm đã cũ rồi. Chế độ sử dụng đất ta nên trao cho các nhà đầu tư được lựa chọn từng phần một. Có như vậy thì ta mới phục vụ phát triển du lịch tốt hơn”- Giáo sư Đặng Hùng Võ chia sẻ.
Riêng đối với phân khúc đất nền, tại nhiều địa phương đang có hiện tượng sốt ảo. Mục đích của người mua chủ yếu là để lướt sóng, mua đi bán lại để kiếm lời, thậm chí nhiều người còn mua bán bằng giấy viết tay.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam kiến nghị: “Phải kiểm soát các khoản vay đầu tư vào đất nền. Nhiều dự án nhỏ của người dân mua bán không hợp pháp. Nếu không kiểm soát hoạt động này bằng biện pháp hành chính, bằng kiểm soát tín dụng, người dân vẫn vay tiền để đầu tư vào đất nền là rất bất cập. Thứ nhất là xảy ra tranh chấp về pháp lý. Thứ hai xét về mặt kinh tế cho đất nước thì việc này không có lợi gì cả”.
Theo Thành Trung/VOV.VN