Huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đã chọn thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn để bảo tồn văn hóa người dân tộc Dao gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch trải nghiệm tại cộng đồng theo hướng bền vững.
Ông Nguyễn Minh Sơn - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh, cho biết huyện này đã chọn thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn để bảo tồn văn hóa người dân tộc Dao gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch trải nghiệm tại cộng đồng theo hướng bền vững.
Thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn nằm cách trung tâm huyện miền núi Ba Chẽ gần 10km. Thôn có 73 hộ, 296 nhân khẩu là người dân tộc Dao.
Với vị trí đắc địa vừa có núi đồi, sông nước và hội tụ các sắc màu văn hóa người dân tộc Dao, thôn Sơn Hải được Ủy ban Nhân dân huyện Ba Chẽ chọn để xây dựng Đề án “Bảo tồn bản văn hóa người Dao gắn với phát triển du lịch cộng đồng” nhằm ngăn chặn sự mai một bản sắc văn hóa dân tộc trước sự tác động của quá trình phát triển.
Đề án cũng tạo nền tảng để từng bước phát triển du lịch, giúp bà con người Dao nhận thức được việc coi văn hóa như một tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Ba Chẽ đang từng bước xây dựng, sưu tầm, trưng bày, giới thiệu về di sản văn hóa đặc sắc của các nhóm Dao ở Việt Nam, đưa thôn Sơn Hải thành một trong những trung tâm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa người Dao của cả nước, gắn chặt với quá trình phát triển du lịch của địa phương cũng như liên vùng.
Trong năm 2019, Ba Chẽ dự kiến sẽ xây dựng một số thiết chế văn hóa nhằm đảm bảo hoạt động trình diễn, bảo tồn di sản văn hóa của cộng đồng như xây nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng theo mô hình nhà truyền thống nửa sàn, nửa đất của người Dao; nghiên cứu, sưu tầm, tập luyện để phục dựng lễ hội cúng Bàn Vương vào ngày mùng 1 tháng 2 (âm lịch) và duy trì lễ hội định kỳ hằng năm, coi đây là lễ hội văn hóa trung tâm khẳng định giá trị văn hóa dân tộc Dao...
Những năm sau đó, Ba Chẽ sẽ tổ chức các lớp truyền dạy chữ Nôm Dao cho người dân; triển khai các cơ sở nghỉ dưỡng theo mô hình Homestay; quy hoạnh và tổ chức trồng hoa, tạo cảnh quan du lịch, xây dựng một số nhà nghỉ dưỡng nhỏ tại theo mô hình nhà để thóc của người Dao; xây dựng cầu tàu, bến tàu và các hạng mục phụ trợ tại khu vực trung tâm thôn; nghiên cứu, sưu tầm và xuất bản sách về di sản văn hóa tiêu biểu của người Dao ở huyện Ba Chẽ.
Ba Chẽ cũng tập trung vào việc nghiên cứu khôi phục, bảo tồn và trình diễn dân ca, dân vũ của dân tộc Dao Thanh Y; bảo tồn nghi lễ nhập đồng, nhảy lửa và cắn mảnh sành; khôi phục bảo tồn trích đoạn trò diễn chay trong lễ cấp sắc; khôi phục nghề truyền thống của người Dao Thanh Y; hỗ trợ cắt may trang phục truyền thống cho nam giới, phụ nữ, thầy cúng.
Đồng thời, huyện tiến hành phục dựng, làm phim về di sản văn hóa tiêu biểu của người Dao ở Ba Chẽ nói chung và ở thôn Sơn Hải nói riêng; xây dựng mô hình làng văn hóa truyền thống; hình thành các điểm, tuyến du lịch trên địa bàn; vận động, kêu gọi doanh nghiệp cùng kết nối và tham gia đầu tư các hạng mục phụ trợ để từng bước thu hút khách du lịch...
Giữa tháng Sáu vừa qua, huyện Ba Chẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà văn hóa trong cả nước cho đề án bảo tồn văn hóa người Dao gắn với phát triển du lịch.
Tiến sỹ Hà Việt Quân, Quyền Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế, Ủy ban Dân tộc đề xuất cần bổ sung thêm thông tin về các bài thuốc gia truyền dân tộc Dao, về các sản phẩm nghệ thuật, sản phẩm lưu niệm của người Dao trong đề án.
Tiến sỹ Vũ Thị Hà thuộc Bảo tàng Dân tộc học góp ý việc trưng bày hiện vật của đồng bào Dao trong một không gian mở để tạo sự hấp dẫn cho du khách trong quá trình tìm hiểu khám phá.
Phó giáo sư, tiến sỹ Bế Trung Anh, Phó Giám đốc Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc đề nghị đưa các mô hình, cách thức sử dụng công nghệ 4.0 trong bảo tồn di sản văn hóa và quảng bá du lịch; bổ sung thêm các sản phẩm OCOP (các đặc sản nông nghiệp) của địa phương.
Đại diện các hộ dân người Dao ở địa phương, ông Đặng A Mản hy vọng đề án bảo tồn phong tục tập quán tốt đẹp của người Dao sớm được thực hiện, đáp ứng nhu cầu về văn hóa tinh thần của người dân.
Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, để thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn sớm trở thành điểm đến, kết nối với các tour, tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, chính quyền địa phương lên kế hoạch, lộ trình đầu tư cụ thể, lồng ghép đầu tư cơ sở vật chất đề án với các dự án văn hóa của địa phương và đổi mới tư duy làm du lịch ở địa phương./.
Theo Văn Đức (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/bao-ton-van-hoa-nguoi-dao-gan-voi-du-lich-cong-dong-o-ba-che/578817.vnp