Cập nhật: 27/06/2019 11:34:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, cũng như những loại hình sân khấu truyền thống khác, cải lương luôn phải đối mặt nguy cơ bị lạc nhịp. Song với quyết tâm đi tìm sức sống mới cho sân khấu cải lương, nhiều đơn vị nghệ thuật đã không ngừng nỗ lực sáng tạo để đưa loại hình nghệ thuật truyền thống này đến gần hơn với công chúng.

Cảnh trong vở Chuyện tình Khau Vai do sân khấu cải lương mới Đại Việt sản xuất. Ảnh: Linh Đoan

Nhà hát Cải lương Hà Nội mới đây vừa ra mắt chùm hài kịch cải lương gồm ba vở diễn ngắn: Tình yêu qua mạng, Sếp vợ, Bệnh quảng cáo. Khán giả thấy thích thú khi được tiếp cận những thông điệp thời sự của cuộc sống hiện đại thông qua những nhân vật, lời thoại gần gũi, hài hước. Nếu Tình yêu qua mạng phê phán lối sống ảo trong cuộc sống bị chi phối quá đà bởi công nghệ, thì Bệnh quảng cáo lại đề cập mặt trái của hoạt động quảng cáo hiện nay, trong khi Sếp vợ chuyển tải câu chuyện cần san sẻ vai trò, trách nhiệm trong công việc và cuộc sống gia đình. Đan xen cùng những lớp vọng cổ đặc trưng của cải lương là những giai điệu hiện đại của Chiếc khăn piêu, Vọng cổ teen… khiến vở diễn tăng tiết tấu, khán giả thêm hứng khởi. Lâu nay, cải lương vốn được mặc định là những vở chính kịch dài mùi mẫn, bi ai, nói như ngôn từ của giới trẻ hiện nay là “sến”, nhưng khi xem những vở diễn này lại thấy cải lương gần gũi, dễ cảm, dễ hiểu và mang tính giải trí cao. Đây cũng là hướng đi đang được Nhà hát Cải lương Hà Nội lựa chọn để tạo sự đột phá trên cơ sở gìn giữ, phát huy nghệ thuật cải lương thông qua những tác phẩm có tính thời sự, phản ánh đời sống xã hội hiện đại và mang ý nghĩa giáo dục.

Nói đến cách tân cải lương, không thể không nói tới những cố gắng của Nhà hát Cải lương Việt Nam khi thời gian qua đã cho ra mắt hàng loạt vở diễn ấn tượng, như: Hừng đông, Mai Hắc Đế, Vua Phật, Ni sư Hương Tràng… với nhiều thể nghiệm mới trong kỹ thuật dàn dựng, đưa vào những kỹ xảo điện ảnh, đầu tư hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại… Vừa qua, đơn vị nghệ thuật này còn thành lập Đoàn Nghệ thuật thể nghiệm để khuyến khích, tạo nhiều “đất” hơn cho các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, làm mới cải lương truyền thống. Ngoài ra, sự xuất hiện gần đây của Sân khấu cải lương mới Đại Việt trên cơ sở tập hợp những nghệ sĩ tâm huyết của hai miền nam - bắc cũng hứa hẹn mang đến nhiều giá trị mới cho cải lương trên hành trình chinh phục khán giả hiện đại. Vở diễn Chuyện tình Khau Vai được Đại Việt ra mắt đầu tháng 6 vừa qua có nhiều sáng tạo như kết hợp âm nhạc dân gian miền núi Tây Bắc với giai điệu cải lương truyền thống, đặc tả phiên chợ tình vùng cao trên sân khấu… đã khiến những hàng ghế khán giả luôn kín chỗ trong nhiều suất diễn. Đây là minh chứng cho thấy những thể nghiệm trên sân khấu cải lương vẫn luôn có sức hút đối với công chúng hôm nay. Đúng như nghệ sĩ Kim Tử Long từng nói: đã xa rồi thời nhân vật cải lương sắp chết còn ca vọng cổ, vì thế từ dàn dựng, cảnh trí, trang điểm đến hát, diễn hiện nay đều phải có sự điều chỉnh, cải tiến để người xem không còn cảm giác cải lương quá cường điệu mà gần gũi, bắt kịp hơi thở hiện đại.

Sân khấu không thể sống nếu thiếu khán giả, khán giả cũng không thể hào hứng nếu chỉ ăn đi ăn lại một món. Với các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung và sân khấu cải lương nói riêng, đổi mới là yếu tố sống còn. Thế nhưng, điều này không có nghĩa cứ thay đổi cho khác với hôm qua là làm mới cải lương, bởi làm mới như thế nào và đến đâu thì phù hợp lại là vấn đề khác, và câu trả lời không hề đơn giản. Trên thực tế, không ít tác phẩm vì mải chạy theo cách tân, đưa vào quá nhiều yếu tố của các loại hình nghệ thuật khác đã khiến khán giả phải đặt câu hỏi đang xem cải lương hay kịch, múa minh họa, tấu hài? Cũng có trường hợp cố gắng giảm thời lượng để đẩy tiết tấu vở diễn nhanh hơn hoặc để phù hợp khung thời gian phát sóng đã dẫn đến việc cắt xén vô tội vạ, khiến tác phẩm mất hẳn chất tự sự, trữ tình đặc sắc của cải lương, diễn viên cũng không giữ được mạch cảm xúc để hóa thân vào vai diễn. Còn nhớ, cách đây chưa lâu, một MC kiêm diễn viên hài khi làm mới vở cải lương kinh điển Tô Ánh Nguyệt bằng cách chọc cười lố lăng đã phải nhận về nhiều chỉ trích của cả những người làm nghề và công chúng. Điều này cho thấy, khán giả hiện đại yêu thích cái mới nhưng phải là cái hay chứ không phải sự sáng tạo quá lố, vô bổ.

Theo đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, cải lương là loại hình nghệ thuật có độ mở rộng và sự giao thoa với các loại hình nghệ thuật khác, vì thế nếu đưa những thử nghiệm vào đúng lúc, đúng chỗ sẽ tạo cảm quan tốt , khơi dậy xúc cảm mạnh mẽ nơi người xem. Nhưng đổi mới cần trên cơ sở hiểu thấu đáo về đặc trưng, tinh túy của nghệ thuật cải lương. Ngày xưa, vở diễn cải lương thường được kết cấu theo chương, hồi với các màn tuần tự như thắt nút, cao trào, xung đột, mở nút. Còn giờ đây, vở diễn có thể kết cấu mở, không phụ thuộc khuôn khổ, người thực hiện được tự do sáng tạo mọi thành tố (từ kịch bản, cách triển khai kết cấu kịch bản đến cách diễn, hát, âm nhạc, phục trang, ánh sáng, kỹ thuật…); miễn là khán giả thấy hào hứng khi tiếp nhận nội dung thông điệp từ vở diễn. NSƯT Triệu Trung Kiên đặc biệt lưu ý tới yếu tố hư cấu khi làm mới cải lương, nhất là với những vở diễn về đề tài lịch sử, bởi làm sân khấu là hư cấu nghệ thuật nhưng cũng cần có nguyên tắc. Người nghệ sĩ có thể hư cấu, miễn là nội dung tư tưởng, câu chuyện lịch sử không bị biến dạng; có thể đứng ở những góc độ khác nhau, dùng những mặt cắt khác nhau để bênh vực, bao biện hay lý giải cho nhân vật lịch sử nhưng không được làm thay đổi bản thân nhân vật đó như những gì mà lịch sử để lại… Những điều này càng khẳng định, đổi mới cải lương để tiếp cận công chúng là công việc đòi hỏi phải làm đến nơi đến chốn, cần sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của ê-kíp sáng tạo và cả sự hậu thuẫn từ nhiều phía.

Theo ĐẮC LINH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm