Cập nhật: 30/06/2019 15:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thực tế đang đặt ra nhiều vấn đề như: nhận thức của các cấp, ngành trong bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số; thực trạng đáng báo động bởi nguy cơ mai một, thất truyền văn hóa dân gian các dân tộc… Các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà quản lý vừa tiếp tục bàn luận trong hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số” do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Cần phát huy bản sắc văn hóa, giữ gìn truyền thống của mỗi dân tộc để tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo. Ảnh: ANH QUÂN

Lắng nghe nguyện vọng của cộng đồng

Những năm qua, ngành văn hóa luôn coi việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa là nhiệm vụ quan trọng. Qua thời gian đầu triển khai còn bỡ ngỡ, đến nay ngành văn hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều nhiệm vụ đã từng bước đi vào chuyên sâu. Công tác bảo tồn phát huy bản sắc dân tộc đã gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, biến nhiều di sản văn hóa đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc thành các giá trị tài sản, bảo đảm đời sống tinh thần, vật chất cho đồng bào.

Song theo Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Trịnh Thị Thủy, còn nhiều vấn đề đặt ra cần được giải quyết. Đó là việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội có nơi làm tốt nhưng cũng có nơi lạm dụng, khai thác lệch lạc, không đúng định hướng các giá trị. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng lớp trẻ ngày nay không còn ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình…

GS, TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đưa ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó có việc tôn trọng lịch sử, tiếng nói, chữ viết và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của từng cộng đồng dân tộc, trên tinh thần coi văn hóa của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, cần có kế hoạch tổ chức khẩn trương, dứt điểm trong việc đầu tư kinh phí, nhân lực có chuyên môn để khảo sát, thống kê, phân loại, nghiên cứu đồng bộ lịch sử, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, các giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em. Tiếp đó các địa phương cần làm tốt việc dạy song ngữ ở các trường dân tộc thiểu số (tiếng Việt và tiếng dân tộc bản địa), tập trung vào các dân tộc có số lượng dân cư đông đảo…

Cùng chung nhận định này, TS Trần Hữu Sơn - Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, người có nhiều gắn bó với văn hóa miền núi, đã nêu nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào vùng dân tộc thiểu số trên cơ sở nghiên cứu ở vùng Tây Bắc. Theo đó, phải tôn trọng tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng các dân tộc, không coi tôn giáo tín ngưỡng là mê tín dị đoan, cấm học chữ cổ, cấm lễ cấp sắc... Những hành động bài trừ này đã làm đứt đoạn văn hóa…

Bảo tồn song song kinh tế, làm du lịch

PGS, TS Phạm Văn Lợi nêu quan điểm: Mọi thành tố văn hóa của mọi dân tộc đều mang giá trị riêng, xứng đáng để bảo tồn. “Tuy nhiên chúng ta có nên phát huy các thành tố văn hóa đó hay không thì phải xem nó còn phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế văn hóa xã hội nữa không”, ông nói. Cộng đồng dân tộc thiểu số chịu tác động lớn của hội nhập, công nghiệp hóa cho nên chúng ta phải chấp nhận một số thành tố văn hóa có thể mất đi nếu chúng trở nên lạc hậu.

Thử làm phép tính: chục năm qua có cả trăm hội thảo, tọa đàm từ quốc tế và quốc gia tới cấp địa phương, GS, TS Bùi Quang Thanh nhận thấy từ lý thuyết tới thực tiễn còn cả khoảng trống bất cập. “Tôi nghĩ vấn đề bảo tồn suy cho cùng nằm ở con người. Chúng ta lúng túng ở hai cách thức gọt chân vừa giày hay đóng giày cho vừa chân”, ông nói. Ông cho rằng không nhiều người “cầm cờ” văn hóa ở Sở, Phòng Văn hóa - Thông tin địa phương lăn lộn với văn hóa, hoặc xuất thân từ cộng đồng đồng bào nên chưa thật sự hiểu rõ về văn hóa cộng đồng.

Trăn trở về bảo tồn, TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Di sản cho hay, các nghiên cứu do UNESCO tiến hành mấy chục năm qua khẳng định phát triển bền vững là sự kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển văn hóa. Từ đó suy ra bảo tồn văn hóa cũng phải đặt ra mục tiêu gắn kết giữa hai nhiệm vụ phát triển kinh tế song song phát triển văn hóa, làm cho văn hóa tham gia tích cực vào việc thực hiện mục tiêu cơ bản của phát triển. TS Đặng Văn Bài cũng đưa ra mô hình bảo tồn làng văn hóa bản Quyên của người Tày ở Định Hóa (Thái Nguyên) gắn với phát triển du lịch cộng đồng hay mô hình bảo tàng hóa di sản văn hóa của người Tày trong khu sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên) là thí dụ điển hình cho mối quan hệ tương hỗ này. Trong 30 ngôi nhà sàn cổ, hơn 100 người là vợ chồng, con cái bà con dân tộc được mời hoặc tự nguyện về làng vừa cấy cày, trồng rau, nuôi cá vừa làm du lịch, đã thu hút du khách bởi chính nếp sinh hoạt truyền thống họ đang gìn giữ.

Cùng chung chia sẻ này, TS Trần Hữu Sơn cũng nhấn mạnh: Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phải gắn liền phát triển du lịch. Trong đó, cần bảo vệ, tôn trọng ý kiến, đề cao vai trò của cộng đồng. Tôn trọng người dân làm du lịch, không nhất thiết người dân phải bỏ kinh tế truyền thống chạy theo du lịch mà có thể tiến hành song song hai hoạt động; làm du lịch theo hướng trải nghiệm; phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng tính đặc thù của mỗi tộc người để tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo. 

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm