Cập nhật: 05/07/2019 10:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đây là một bước tiến đầy hứa hẹn đối với gần 37 triệu người đang phải sống chung với HIV.

Các nhà nghiên cứu đã loại bỏ thành công virus HIV trên mẫu ADN nhiễm bệnh của chuột. Đây là một bước tiến đầy hứa hẹn đối với gần 37 triệu người đang phải “sống chung với lũ”.

Theo một nghiên cứu công bố ngày 2/7 trên tạp chí Nature Communications, các nhà nghiên cứu làm việc tại trường Y khoa Lewis Katz, Đại học Temple và Trung tâm Y tế Đại học Nebraska (UNMC) đã kết hợp công nghệ chỉnh sửa gen với một loại thuốc ức chế giải phóng virus chậm giúp loại bỏ hoàn toàn các tế bào HIV ra khỏi chuột nhiễm bệnh.

Các nhà nghiên cứu đã loại bỏ thành công virus HIV trên mẫu ADN nhiễm bệnh của chuột. Ảnh: CBS News

Liệu trình điều trị HIV hiện nay chưa thể loại bỏ hoàn toàn virus ra khỏi cơ thể người bệnh nhưng đã có thể hạn chế sự lây lan của chúng. Liệu pháp kháng virus (ART) bắt buộc người bệnh phải sử dụng cả đời. Một nghiên cứu công bố vào tháng 5 cho thấy, liệu pháp này có khả năng ngăn chặn sự lây lan HIV qua đường tình dục.

Trong khi thử nghiệm phương pháp mới trên một nhóm “chuột chuyển gen người” (loài chuột được thiết kế để sản sinh tế bào T của con người dễ mắc HIV), các nhà nghiên cứu đã thực hiện một phương pháp điều trị có tên LASER ART để ngăn chặn các tế bào HIV nhân rộng.

Nhóm nghiên cứu đã điều chỉnh thuốc để có tác dụng chậm trong nhiều tuần, nhắm vào các tiểu bào ở lá lách, tủy xương và não – những “hồ chứa” HIV tiềm ẩn hoặc những cụm tế bào HIV chưa hoạt động.

Để loại bỏ những tế bào nhiễm bệnh ra khỏi ADN của người bệnh, các nhà nghiên cứu sử dụng phương pháp chỉnh sửa gen gọi là CRISPR-Cas9.

Theo ông Kamel Khalit, quá trình này cho phép nhóm nghiên cứu “làm sạch từng đoạn gen” và loại bỏ nhiễm sắc thể HIV.

Kết thúc thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã loại bỏ thành công virus HIV ra khỏi 9/23 con chuột.

Các nhà nghiên cứu kết luận: HIV có thể loại bỏ được

Ban đầu, hai nhóm thực hiện nghiên cứu riêng lẻ: trong khi Howard Gendelman tại UNMC theo đuổi phương pháp LASER ART, Khalili từ đại học Temple đã làm thí nghiệm với công nghệ CRISPR được 5 năm.

Họ kết hợp hai nghiên cứu nhằm mục đích đưa ra một phương pháp hoàn thiện để loại bỏ virus này.

Khalili nói ông coi HIV như một bệnh lý về gen: Một khi virus xâm nhập vào vật chủ, bộ gen chủ yếu tham gia vào nhiễm sắc thể của virus và trở thành “gen xấu”.

Phương pháp kết hợp là cách tốt để tấn công virus HIV từ hai khía cạnh: Trước tiên làm chậm quá trình nhân bản bằng LASER ART, sau đó điều chỉnh hoàn toàn bộ gen với CRISPR.

Quá trình xác nhận việc tiêu diệt virus hoàn toàn có thể mất nhiều năm.

Ông Gendelman trả lời CNN rằng nhóm nghiên cứu đã kiểm tra “mọi ngóc ngách” mà tế bào nhiễm bệnh có thể ẩn náu trên tiểu bào chuột thí nghiệm. Kết quả là minh chứng cho thấy HIV có thể loại bỏ được, nhưng đây mới chỉ là bước đầu tiên, không phải phương pháp chữa trị cuối cùng. Ông ví von: “Chúng ta đang hạ chân xuống mặt trăng, nhưng không có nghĩa là chúng ta đã đến được với sao Hỏa”.

Phòng thí nghiệm của Khalili đã và đang thực hiện một phiên bản khác của nghiên cứu trên loài linh trưởng, dù vậy phải mất từ 9 tháng đến một năm để có thể đánh giá virus đã loại bỏ được hay chưa. Ông còn cho biết kết quả quá trình chỉnh sửa gen trên loài linh trưởng có thể sẽ được công bố trong năm sau. Nếu những phương pháp này tiếp tục được chứng minh thành công, các thử nghiệm lâm sàng có thể được tiến hành sớm nhất vào mùa hè năm tiếp theo.

Nỗ lực chữa trị HIV gần đây có hy vọng

Tia hy vọng về phương pháp chữa trị lóe lên vào tháng 3 khi các nhà nghiên cứu công bố người thứ hai đã hoàn toàn “thoát khỏi” HIV sau khi thực hiện cấy ghép tế bào gốc giúp loại bỏ thành công mọi dấu hiệu của virus có trong máu của anh ta.

Cả hai bệnh nhân, đến từ London và Berlin, đã được chữa trị bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc từ người hiến tặng có bộ gen đột biến CCR5 giúp họ miễn nhiễm với loại virus này. Người đàn ông nhiễm HIV nói trên còn được chẩn đoán là mắc một loại ung thư khi thực hiện điều trị.

Các nhà nghiên cứu cho biết: Bệnh nhân người London đã thuyên giảm trong 18 tháng vào thời điểm bài báo được phát hành.

Vào năm 2018, khái niệm vaccine phòng HIV đã được ưu tiên để kiểm tra thêm sau một nghiên cứu tìm ra rằng vaccine này có thể kích thích phản ứng miễn dịch ở người và khỉ. Hiệu quả phòng bệnh của nó vẫn chưa rõ.

 Theo CTV Kiều Ngân/VOV.VN

 

Tệp đính kèm