Cập nhật: 28/07/2019 17:58:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), những tháng đầu năm 2019, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp đã có chuyển biến tích cực. Song để đạt kết quả như mong muốn, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu hơn.

Hàng tấn chân bò và nội tạng gia súc được cơ sở kinh doanh thực phẩm Hòa Toản, xã Hải Bối, huyện Ðông Anh (Hà Nội) nhập lậu từ nước ngoài, vứt dưới nền nhà để sơ chế, trước khi bán cho khách hàng. Ảnh: QUANG TRƯỜNG

Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN và PTNT) cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tổ chức lấy mẫu giám sát đối với các sản phẩm chủ lực, tiêu dùng có nguy cơ mất ATTP cao, đã phát hiện 21 trong số 1.723 mẫu thủy sản nuôi và thủy sản chế biến vi phạm chỉ tiêu ATTP (chiếm 1,21%), giảm so với sáu tháng đầu năm 2018 (1,7%); 27 trong số 333 mẫu thịt lợn, gà tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm E.Coli, Salmonella (chiếm 8,1%), giảm so với cùng kỳ năm 2018 (22,3%), không phát hiện chất cấm Salbutamol, Clenbuterol trong 508 mẫu thịt lợn...

Tuy nhiên, việc bảo đảm ATTP vẫn còn những thách thức. Từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp đã kiểm tra 23.198 cơ sở, xử phạt hành chính 1.412 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, ATTP nông, lâm thủy sản với số tiền phạt hơn chín tỷ đồng. Tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, sản xuất, chế biến, xuất khẩu, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất diễn ra khá phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ vi phạm ATTP. Ðơn cử, ngày 14-7, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, đã tiến hành tiêu hủy hơn 900 kg thịt lợn chuyển màu, bốc mùi hôi thối, được phát hiện từ một ô-tô mang BKS 99C-149.47 do Nguyễn Thế Khanh (SN 1982, hộ khẩu thường trú tại xã Nghĩa Ðạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh điều khiển) đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ tại thị xã Mỹ Hào. Ở Ðồng Nai, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn đến nay, đơn vị đã phối hợp cùng lực lượng công an, quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng giết mổ lợn trái phép. Ðã phát hiện 82 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt hành chính số tiền hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng tiến hành tiêu hủy hàng chục tấn thịt lợn không bảo đảm ATTP; chuyển cho công an xử lý hai trường hợp giết mổ với hơn 5.700 kg thịt lợn mang mầm bệnh, lợn chết.

Tại Hà Nội, tổ công tác Ðội 3, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố phối hợp Ðội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm Hòa Toản (tại thôn Cổ Ðiển, xã Hải Bối, huyện Ðông Anh), phát hiện một số lượng lớn chân bò và lá lách gia súc (gần ba tấn) được cơ sở này nhập lậu về Việt Nam. Ở thời điểm kiểm tra, số chân bò và nội tạng gia súc bày la liệt dưới nền nhà rất mất vệ sinh. Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ số thực phẩm nêu trên...

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Nguyễn Như Tiệp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên. Ðó là, một số văn bản quy phạm pháp luật chậm tiến độ so với kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ đề ra. Việc rà soát, loại bỏ, bổ sung các vật tư nông nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam chưa thường xuyên. Việc thực thi pháp luật tại một số địa phương chưa đạt yêu cầu. Ở nhiều nơi việc giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa đầy đủ, nghiêm túc. Việc xử lý dứt điểm một số tồn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh rau, quả và thủy sản chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Bộ máy làm công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản tại các địa phương biến động. Nguồn lực tại nhiều tỉnh, thành phố chưa đáp ứng để triển khai đầy đủ các nhiệm vụ quản lý, thanh tra về ATTP theo phân công, phân cấp, nhất là trong tổ chức ký cam kết tuân thủ quy định ATTP đối với những cơ sở không thuộc diện cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP... Ðại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản TP Hà Nội chia sẻ: sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, xử lý vi phạm ở tuyến xã chưa thường xuyên và quyết liệt, chủ yếu là nhắc nhở, chưa tập trung vào các cơ sở có nguy cơ mất ATTP cao. Việc triển khai quy hoạch giết mổ gặp nhiều khó khăn. Vẫn còn các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, chưa bảo đảm vệ sinh thú y, ATTP.

Ðể khắc phục những bất cập, nhiều ý kiến cho rằng, về mặt quản lý, Bộ NN và PTNT cần tiếp tục triển khai hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, nông, lâm sản và thủy sản. Tổ chức đào tạo, đào tạo nâng cao cho cán bộ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP; đánh giá, chỉ định, giám sát cơ sở kiểm nghiệm vật tư nông nghiệp, ATTP theo quy định. Mở rộng, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm thông qua bao gói, ghi nhãn, dán tem truy xuất điện tử. Cùng với đó, cần củng cố lại quy trình sản xuất, trong đó người sản xuất, chế biến cũng như kinh doanh nông sản nên thường xuyên cập nhật các quy định mới về ATTP và thực hiện nghiêm túc quy định, khuyến cáo về thời gian cách ly, thời gian ngừng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh...Chủ động xử lý các sự cố mất ATTP; kịp thời kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin chính xác cho người tiêu dùng, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu, góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn.

Theo Thứ trưởng NN và PTNT Phùng Ðức Tiến, muốn nâng cao chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, việc giám sát, quản lý phải được thực hiện một cách đồng bộ trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị nông sản, từ giống cây trồng, vật nuôi, quy trình canh tác, thu hoạch, vận chuyển, chế biến tới tiêu thụ. Nếu làm tốt mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường các nước, mang lại giá trị xuất khẩu cao và xa hơn là chuyển đổi nền nông nghiệp từ quy mô nhỏ lẻ, tự cấp - tự túc sang nền nông nghiệp hội nhập, phát triển bền vững.

Theo ANH QUANG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm