Cập nhật: 03/08/2019 09:56:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tính đến nay, dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trong cả nước đã thu được 1.163 tỷ đồng đạt 36,5% kế hoạch thu của năm, vượt 7% so với cùng kỳ năm 2018. Nhờ áp dụng chính sách mới, việc chi trả DVMTR qua hệ thống tài khoản đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời góp phần minh bạch và hiệu quả cho công tác chi trả của cơ quan quản lý.

Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng tại tỉnh Yên Bái. Ảnh: VNFF

Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), thời gian qua, chính sách chi trả DVMTR đã đem lại những tín hiệu tích cực, được các cấp chính quyền, địa phương quan tâm và đánh giá cao. Từ năm 2018, hai nguồn thu DVMTR mới đối với cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước và doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản có sử dụng môi trường rừng theo quy định của Chính phủ đã được triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước, góp phần gia tăng nguồn thu DVMTR. Hiện tại, một số tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam đã chủ động ký được 28 hợp đồng ủy thác với các cơ sở sản xuất công nghiệp. Thực hiện chính sách chi trả DVMTR không dùng tiền mặt, đến nay hầu hết các chủ rừng là tổ chức đã nhận thanh toán tiền qua tài khoản. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, đến hết tháng 7-2019, cả nước đã có 1.342 chủ rừng là tổ chức được hưởng tiền DVMTR với số tiền đã giải ngân là 1.975,2 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Tổng số tiền được chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng chiếm 100%. Đối với hộ gia đình cá nhân, cộng đồng, nhóm hộ được giao rừng đã mở được 44.095 tài khoản ngân hàng và giao dịch thanh toán điện tử và đã giải ngân được 159,056 tỷ đồng; đối với hộ gia đình cá nhân, cộng đồng, nhóm hộ được khoán quản lý bảo vệ rừng đã mở được 8.730 tài khoản ngân hàng và giao dịch thanh toán điện tử để giải ngân được 144,138 tỷ đồng. Việc ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử trong chi trả DVMTR qua tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch thanh toán điện tử được đánh giá là phù hợp với thực tiễn và xu thế chung, đồng thời, với cách chi trả này, tiền DVMTR sẽ đến tận tay người nhận một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, an toàn và minh bạch.

Ngày 26-2-2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1586/VPCP-NN đồng ý xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon (C-PFES). C-PFES là một trong năm DVMTR được chi trả tại Việt Nam. Theo đó, C-PFES sẽ triển khai thí điểm tại bốn tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế. Theo quy định mới, các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn sẽ phải chi trả cho dịch vụ lưu trữ và hấp thụ các-bon của rừng. Nguồn thu này dự kiến sẽ được phân bổ vào các hoạt động trồng mới rừng, bảo tồn rừng sẵn có cũng như nâng cao sinh kế cho khoảng 450 nghìn hộ dân đang sống phụ thuộc vào rừng và tài nguyên rừng.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, trong năm 2019 và thời gian tới, hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng phải bảo đảm tăng thu, chi đúng, chi đủ, chi kịp thời, chi an toàn trong quá trình thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Đôn đốc các địa phương triển khai ngay việc thu tiền DVMTR từ các loại hình dịch vụ mới, đồng thời tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; thống nhất thanh toán tiền DVMTR không bằng tiền mặt đối với các loại chủ rừng.

Theo DŨNG MINH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm