Cập nhật: 24/08/2019 09:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khu công nghệ cao (CNC) Ðà Nẵng được thành lập năm 2010, có diện tích 1.128 ha, tại các xã Hòa Liên và Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Thời gian qua, TP Ðà Nẵng đã tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho Khu CNC, xây dựng chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng dịch vụ CNC, hoạt động nghiên cứu, ươm tạo, ứng dụng CNC. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần có các khu công nghiệp "vệ tinh" để tạo hệ sinh thái phát triển CNC.

Dự án nhà xưởng phụ trợ công nghệ cao Long Hậu - Ðà Nẵng tại Khu công nghệ cao Ðà Nẵng.

Phó Chủ tịch UBND TP Ðà Nẵng, kiêm Trưởng Ban Quản lý Khu CNC và các khu công nghiệp Hồ Kỳ Minh cho biết: Hiện nay, Khu CNC Ðà Nẵng đã có gần 400 ha đất sạch, với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng phục vụ các nhà đầu tư. Ban Quản lý đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 258 triệu USD và 9 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 5.272 tỷ đồng. Hiện đã có bốn nhà máy đi vào hoạt động, các dự án khác đang trong quá trình triển khai đầu tư.

Ðạt được những kết quả tích cực nêu trên, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Ðà Nẵng Trần Phước Sơn là do thành phố đã có bước chuẩn bị từ trước trong việc đầu tư hạ tầng khu CNC Ðà Nẵng. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã ưu tiên bố trí nguồn vốn Ngân sách trung ương để thực hiện dự án, tạo thuận lợi cho xúc tiến và thu hút các dự án đầu tư vào Khu CNC. Vừa qua, tại Tọa đàm "Da Nang Business Roundtable" diễn ra tại Silicon Valley (Mỹ), lãnh đạo UBND TP Ðà Nẵng cùng các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết ba bản ghi nhớ hợp tác đầu tư vào TP Ðà Nẵng trong các lĩnh vực CNC, công nghệ thông tin. Trong đó, Ban Quản lý khu CNC và các khu công nghiệp Ðà Nẵng và Ai20X Silicon Valley (Mỹ) đã ký kết bản ghi nhớ về hợp tác trong việc xây dựng, phát triển Khu CNC Ðà Nẵng.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cho rằng, thành phố cần bố trí các khu, cụm công nghiệp có vị trí gần Khu CNC Ðà Nẵng để phát triển các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ. Thực tế, các doanh nghiệp sản xuất CNC, nhất là các doanh nghiệp có quy mô lớn và sử dụng nhiều chi tiết cấu thành sản phẩm cần rất nhiều nhà cung cấp đi kèm. Các nhà cung cấp này cần đặt cơ sở sản xuất gần kề hoặc không quá 30 phút di chuyển bằng xe tải để bảo đảm việc cung ứng được liên tục, nhanh chóng. Trong khi đó, có nhiều nhà cung cấp không đạt các tiêu chí để được công nhận là doanh nghiệp sản xuất phụ trợ CNC theo quy định. Vì vậy, việc bố trí các khu, cụm công nghiệp có vị trí gần Khu CNC Ðà Nẵng nhằm cung cấp không gian sản xuất cho các nhà cung cấp. Ngoài ra, cần cân nhắc tỷ lệ tăng giá thuê đất và hệ số điều chỉnh phù hợp và sớm ban hành để nhà đầu tư có cơ sở thực hiện. Ông Lê Trí Hải, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Ðà Nẵng kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm tới chất lượng các nhà đầu tư FDI thay vì số lượng, đẩy mạnh hơn nữa thu hút đầu tư ở các lĩnh vực ưu tiên, như: CNC, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; nhất là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0. Ðể cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tăng cường thu hút đầu tư, TP Ðà Nẵng cần đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, đánh giá tác động môi trường, các chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục về giấy phép xây dựng...

Phó Chủ tịch UBND TP Ðà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, để tiếp tục thu hút đầu tư, Ðà Nẵng sẽ triển khai một số đề án: Tổng thể phát triển Khu CNC Ðà Nẵng giai đoạn đến năm 2030; một cửa liên thông trong công tác chuẩn bị, cấp phép và quản lý dự án đầu tư ngoài các khu công nghiệp, khu CNC Ðà Nẵng; phát triển doanh nghiệp Ðà Nẵng đến năm 2020; thí điểm nâng cao tính năng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp CNC... Ðồng thời, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tiếp cận hiệu quả các nhà đầu tư chiến lược tại thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Mỹ, châu Âu. Thành phố sẽ tiếp tục cải cách hành chính và nâng cao năng lực điều hành của chính quyền để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhằm tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn để thu hút đầu tư; nghiên cứu triển khai phần mềm quản lý dự án đầu tư liên thông giữa các sở, ban, ngành và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 liên quan đến thủ tục đầu tư.

Theo ANH ÐÀO/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm