Thuyên tắc phổi là một bệnh lý cấp cứu nội khoa có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở các bệnh nhân cao tuổi nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.thuyên tắc phổi thường khó chẩn đoán do bệnh cảnh lâm sàng không đặc hiệu và có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác, đặc biệt trên các bệnh nhân cao tuổi.
Thuyên tắc phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu gọi chung là bệnh lý thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, là một trong ba nguyên nhân tim mạch gây tử vong cao nhất, sau nhồi máu cơ tim cấp và đột quỵ. Tại Mỹ và châu Âu, tỷ lệ thuyên tắc phổi mới mắc là 1,8/1.000. Mỗi năm ở Mỹ, tỷ lệ thuyên tắc phổi ở bệnh nhân nằm viện là 0,4% và có khoảng 200.000 người tử vong vì thuyên tắc phổi.
Chẩn đoán xác định thuyên tắc phổi là một thách thức đối với các bác sĩ lâm sàng, việc phát hiện nhiều khi là tình cờ. Việc chẩn đoán sớm rất quan trọng để giúp điều trị ban đầu hiệu quả. Tuy nhiên, chẩn đoán thuyên tắc phổi thường khó và dễ bị bỏ sót do bệnh cảnh lâm sàng ít đặc hiệu, có thể nhầm với các bệnh lý khác.
Tại Việt Nam, trước đây thuyên tắc phổi được xem là bệnh hiếm, tuy nhiên, gần đây đã trở nên phổ biến hơn nhờ việc chẩn đoán xác định bằng chụp cắt lớp điện toán mạch máu phổi cản quang.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cao tuổi thường có đa bệnh lý phức tạp, bao gồm các bệnh nội và ngoại khoa kết hợp.Các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, bệnh phổi mạn tính chiếm phần lớn.Gần 40% số bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch sâu không có triệu chứng lâm sàng có bằng chứng thuyên tắc phổi dựa trên kết quả xạ hình thông khí tưới máu phổi.Ngược lại khoảng 70% bệnh nhân thuyên tắc phổi sẽ tìm thấy huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân.
Khó thở, đau ngực, nhịp tim nhanh là các triệu chứng phổ biến nhất ở bệnh nhân thuyên tắc phổi
Nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân nằm viện mà không được phòng ngừa dao động từ 10 - 80%.Theo nghiên cứu INCIMEDI tại Việt Nam, tỷ lệ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch không triệu chứng ở bệnh nhân nội khoa nằm viện là 22%. Cơ chế hình thành huyết khối tĩnh mạch là do sự phối hợp của 3 yếu tố (gọi là tam giác Virchow): ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch, rối loạn quá trình đông máu gây tăng đông, và tổn thương thành mạch.
Chẩn đoán xác định thuyên tắc phổi là một thách thức đối với các bác sĩ lâm sàng, việc phát hiện nhiều khi là tình cờ.
Theo nhiều nghiên cứu, bệnh nhân bị thuyên tắc phổi thường có bệnh lý tim phổi như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…được chẩn đoán trước nhập viện chiếm tỷ lệ cao nhất 56%, tiếp theo là bất động kéo dài 45%, có phẫu thuật gần đây 33,3%, liệt nửa người, đột quỵ 18,3%, nhiễm trùng nặng 13,3%.
Đặc biệt, một nghiên cứu thực hiện tại khoa Tim mạch Cấp cứu và Can thiệp (BV. Thống Nhất) ghi nhận số bệnh nhân có bệnh mạch vành được chẩn đoán lúc nhập viện chiếm tỷ lệ cao (59%), các yếu tố nguy cơ gây thuyên tắc phổi là hút thuốc lá (40%), tiền căn huyết khối tĩnh mạch sâu (37%), bất động kéo dài (35%), rối loạn lipid máu (30%), nhiễm trùng nặng (25%), đột quỵ (18%), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - COPD (12%), có phẫu thuật gần đây (12%), bệnh lý ung thư có 2 trường hợp (6,25%).
Một nghiên cứu được thực hiện trên 2.454 bệnh nhân thuyên tắc phổi từ 52 bệnh viện của 7 quốc gia tại châu Âu và Mỹ, cho thấy tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân trong vòng 3 tháng là 17,4%, trong đó, 45,1% các tử vong này là do thuyên tắc phổi. Nếu không điều trị, tỷ lệ tử vong do thuyên tắc phổi khoảng 30%. Tỷ lệ tử vong giảm khi chẩn đoán được xác định và điều trị hiệu quả.
Triệu chứng thuyên tắc phổi thường đa dạng và không đặc hiệu, do đó, cần tìm ngay lập tức các dấu hiệu chứng tỏ mức độ nặng của bệnh nhân trên lâm sàng, gồm: sốc, tụt huyết áp kéo dài. Ngoài ra, khó thở, đau ngực, nhịp tim nhanh là các triệu chứng phổ biến nhất ở bệnh nhân thuyên tắc phổi.
Chụp cắt lớp điện toán lồng ngực có bơm thuốc cản quang trở thành phương pháp chẩn đoán hình ảnh chính trong chẩn đoán thuyên tắc phổi.
Tất cả bệnh nhân thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, cũng như thuyên tắc phổi đều được khuyến cáo duy trì điều trị chống đông hiệu quả ít nhất 3 tháng.Thời gian điều trị có thể kéo dài tới tận 6 tháng, hoặc 12 tháng đối với những bệnh nhân chọn lọc như thuyên tắc vẫn còn tồn tại yếu tố thúc đẩy (như ung thư), hoặc không rõ căn nguyên.
Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa không dùng thuốc như biện pháp cơ học (máy bơm hơi áp lực ngắt quảng, vớ áp lực y khoa) cũng đóng vai trò quan trọng.Việc chọn lựa phương pháp phòng ngừa tùy thuộc vào bác sĩ đánh giá nguy cơ của người bệnh và trên từng người bệnh cụ thể. Do đó, người bệnh cần phải được bác sĩ thăm khám và tư vấn thật kỹ trước khi đưa ra phương pháp điều trị dự phòng.
TS.BS. NGUYỄN VĂN TÂN
Theo suckhoedoisong.vn