Mặc dù bệnh bại liệt đã được thanh toán ở hầu hết các quốc gia nhưng một số nước vẫn phát hiện những ca mắc bệnh bại liệt hoang dại. Trong xu thế hội nhập và giao lưu quốc tế như hiện nay, vẫn có nguy cơ xâm nhập các ca bại liệt nếu không có biện pháp ngăn chặn phù hợp.
Cho trẻ uống đủ liều vắc-xin OPV là biện pháp phòng bệnh bại liệt hiệu quả.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 1988 là năm mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu được đưa ra, trên thế giới vẫn còn khoảng 350 nghìn người mắc bệnh bại liệt hoang dại tại 125 quốc gia. Nhưng đến năm 2013 (sau thời gian 25 năm), số ca đã giảm xuống chỉ còn 417 trường hợp. Ðến năm 2018, số ca bại liệt hoang dại chỉ còn 33 ca và hầu hết các nước được xác nhận thanh toán bệnh bại liệt hoang dại. Tại Việt Nam, nhờ kiên trì và mở rộng Chương trình tiêm chủng mở rộng, năm 2000 WHO tuyên bố Việt Nam đã thành công trong khống chế bệnh bại liệt trên toàn quốc (không còn một người bệnh bại liệt nào do vi-rút bại liệt hoang dại gây nên).
Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, trên thế giới vẫn phát hiện 66 người nhiễm vi-rút bại liệt hoang dại tại hai nước (Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan). Nguyên nhân chính do ảnh hưởng của nhiều năm bất ổn về chính trị với tỷ lệ uống vắc-xin phòng bệnh OPV ở quốc gia này rất thấp. Bên cạnh các ca bại liệt hoang dại, vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ các ca bệnh bại liệt do biến đổi di truyền với trung bình hàng chục ca mỗi năm. Tính riêng tám tháng đầu năm 2019 đã có 53 ca tại một vài quốc gia châu Á và châu Phi. Ðây là các trường hợp mắc bại liệt do vi-rút bại liệt có nguồn gốc từ vắc-xin uống, đào thải qua phân ra môi trường bên ngoài và biến đổi kiểu gien, có khả năng gây bệnh trở lại ở những cộng đồng có tỷ lệ uống/tiêm vắc-xin bại liệt thấp. Mặc dù tỷ lệ này là rất nhỏ (chỉ ba, bốn ca/triệu liều) nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh dịch tại cộng đồng.
Ðáng lưu ý, trong bối cảnh ngày nay, khi kinh tế phát triển, sự thuận tiện trong việc giao thương và di chuyển không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới, việc mang theo mầm bệnh tại mỗi điểm đến khác nhau không phải là chuyện hiếm. Do vậy, nguy cơ xâm nhập các ca bại liệt từ mọi nơi trên thế giới vẫn thật sự rõ ràng nếu không có biện pháp ngăn chặn phù hợp.
Một số nghiên cứu cho thấy, việc loại trừ bệnh bại liệt sẽ giúp tiết kiệm ít nhất từ 40 đến 50 tỷ USD, chủ yếu ở các nước thu nhập thấp. Và những lợi ích nhân đạo sẽ được duy trì cho các thế hệ tương lai: không một đứa trẻ nào lại bị ảnh hưởng bởi căn bệnh khủng khiếp này.
Bại liệt là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút bại liệt gây nên. Bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa, vi-rút gây bệnh xâm nhập vào cơ thể bằng nguồn thực phẩm ăn uống, sau đó lan vào hạch mạc treo rồi đến hệ thần kinh. Triệu chứng liệt do bệnh bại liệt là loại liệt mềm, không đối xứng và thường bị liệt ở chân nhiều hơn ở tay. Nếu bị liệt cơ hô hấp dễ dẫn đến tử vong. Mặc dù vi-rút bại liệt có thể tồn tại một thời gian nhất định từ vài tuần đến cả tháng tại môi trường bên ngoài, nhưng chỉ có vật chủ duy nhất là người. Do vậy, khi bảo đảm tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cao, vi-rút sẽ không có cơ hội lây lan, dần bị cô lập và loại bỏ hoàn toàn. Trên thế giới, vi-rút bại liệt tuýp 2, là một trong ba tuýp vi-rút bại liệt gây bệnh đã được thanh toán trên toàn cầu vào năm 2015. Hai tuýp bại liệt còn lại (tuýp 1 và tuýp 3) được WHO đưa ra dự kiến sẽ loại bỏ vào năm 2023.
Nhờ thành quả duy trì tỷ lệ uống vắc-xin OPV cao trong liên tục nhiều năm, Việt Nam đã không còn ghi nhận bất kỳ trường hợp bại liệt nào, kể từ ca bệnh cuối cùng tại tỉnh Phú Yên (năm 1997). Thành công đó là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên phần nào đó lại mang đến sự chủ quan trong cộng đồng, một số bậc cha mẹ có khuynh hướng tự nhiên không cần tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ. Ðiều này sẽ may mắn nếu như dịch bệnh đã hoàn toàn được khống chế hoặc được một cộng đồng lớn với miễn dịch bảo vệ vây quanh. Ðứa trẻ tự nhiên đó sẽ may mắn được bảo vệ. Nhưng khi tỷ lệ tiêm chủng thấp, miễn dịch cộng đồng không được duy trì, mức độ giao lưu lớn, mầm bệnh có nguy cơ xâm nhập, những trẻ không được bảo vệ sẽ dễ dàng mắc bệnh. Khi ấy, dịch lan rộng sẽ là bài học đắt giá cho những bà mẹ vẫn còn đi theo trào lưu sống thuận theo tự nhiên và tẩy chay tiêm chủng.
Theo luật các bệnh truyền nhiễm đã được Chính phủ ban hành, mọi trẻ em đều phải được tiêm chủng phòng bệnh, bởi không chỉ phòng cho bản thân mà còn phòng cho cả cộng đồng, phòng cho những trẻ không thể có cơ hội tiêm chủng do mắc các bệnh tự miễn, không đủ sức khỏe để tiêm vắc-xin. Hiện, trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã được triển khai tại tất cả các xã, phường trong cả nước, ở đó trẻ em được uống miễn phí vắc-xin phòng bệnh bại liệt OPV khi trẻ được hai, ba, bốn tháng tuổi và tiêm vắc-xin bại liệt IPV khi đủ năm tháng tuổi.
Theo NGUYỄN VÂN/nhandan.com.vn